|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM muốn giữ lại 36 phường thuộc diện sáp nhập

19:48 | 29/03/2024
Chia sẻ
Thành phố muốn giữ lại 36 phường ở 9 quận thuộc diện sắp xếp vì yếu tố lịch sử, văn hóa, tôn giáo, dân cư hiện hữu đã vượt ngưỡng.

Nội dung vừa được UBND TP HCM gửi Bộ Nội vụ sau khi tiếp thu, giải trình và bổ sung phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phường (thuộc quận) có dân số từ 15.000 người trở lên; diện tích hơn 5,5 km2; cấp xã từ 5.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2. Những đơn vị không đạt hai tiêu chí này phải sắp xếp.

Các phường mà TP HCM muốn giữ lại thuộc các quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Động thái không sáp nhập 36 phường sau khi chính quyền thành phố cân nhắc yếu tố truyền thống lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư các phường. Việc này nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 35 về sắp xếp đơn vị hành chính, đồng thời phù hợp quy hoạch thành phố.

Khu trung tâm TP HCM, tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Cụ thể, quận 3 có 7 phường thuộc diện sắp xếp nhưng đề xuất giữ lại là 1, 2, 3, 4, 5, 11, 14. Quận 4 có 5 phường gồm 1, 3, 4, 16 và 18. Quận 5 có 5 phường 1, 4, 9, 13 và 14. Quận 6 có 3 phường là 7, 8, 12. Quận 8 có ba phường gồm 6, 14, 16. Quận 10 có 4 phường là 1, 4, 9, 13. Quận 11 có 5 phường là 3, 5, 14, 15 và 16. Quận Bình Thạnh có hai phường thuộc diện sáp nhập nhưng giữ lại là 17 và 27 và quận Phú Nhuận có hai phường là 1, 5.

Chính quyền thành phố nêu phường 1 và 3 của quận 3 có địa giới ổn định từ sau ngày 10/5/1976. Ngoài ra, phường 1 có 4 cơ sở tôn giáo, trường học, dịch vụ ẩm thực... Quy mô dân số hiện tại là 12.156 người. được bao bọc bởi các tuyến đường lớn, quy hoạch các dự án về phát triển kinh tế, theo hướng thương mại, dịch vụ kết hợp nhà ở, cải tạo chung cư cũ. Sau khi các công trình hoàn thành, dân số của phường đạt hơn 45.000 người, vượt 300% so với quy định.

Phường 1 của quận 4 ổn định từ địa giới từ 10/5/1976. Dù phường diện tích chỉ 0,39 km2, đạt 0,35% so với tiêu chuẩn, quy mô dân số 27.193 người, đạt 181.29% so với tiêu chuẩn, dù diện tích nhỏ nhưng dân số tương đối lớn. Đây có nhiều chung cư cao tầng, dân cw đông, rạp chiếu phim, nhà hàng, hội nghị... mỗi ngày thu hút hơn 10.000 người đến. Ngoài ra nhiều dự án đang xây dựng và dân cư sẽ tăng thêm 12.000 dân.

Phường 1 của quận 5 có là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn như Nhi khoa Nacy, Chấn thương chỉnh hình, Viện sốt rét – Ký sinh trùng và Côn trùng, Tâm thần, Nhiệt đới... Phường có các cơ sở tôn giáo như chùa Phổ Minh, Thiện Mỹ, Thánh thất Cao Đài và hai đình thờ tín ngưỡng Thành Hoàng làng, trụ sở Tổng đội Thanh niên xung phong TP HCM. Khối lượng công việc quản lý của địa bàn luôn cao hơn so với các phường khác.

Phường 14 của quận 8 có hệ thống kênh rạch bao bọc như Tàu Hủ, kênh Đôi, kênh Ngang số 1, số 2 khiến nơi này gặp nhiều khó khăn đi lại, quản lý hành chính, an ninh nếu sáp nhập. Hiện dân số của phường là 20.075 người, vượt chuẩn hơn 133%. Nơi đây còn là địa bàn phức tạp về tình trạng mua bán ma túy, luôn được công an thành phố hỗ trợ truy bắt. Nếu sáp nhập sẽ ảnh hưởng tâm lý người dân phường khác, khó nhận được đồng thuận...

Tại đề án này, thành phố cũng trình phương án 80 phường thuộc diện sắp xếp tại các quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận. Số này sau sáp nhập hình thành 38 phường mới, giảm 39 phường.

TP HCM cũng đề xuất do các yếu tố đặc thù nên từ nay đến năm 2030, các quận, huyện ở thành phố không thuộc diện phải sắp xếp. Điều này để đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, phát triển kinh tế, "không gây xáo trộn lớn".

Từ năm 1975 đến nay TP HCM trải qua 7 lần tách, nhập các đơn vị hành chính, mới nhất là lần sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức và 19 phường vào cuối năm 2020.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính huyện, xã thực hiện theo các nghị quyết Quốc hội. Theo số liệu của 63 địa phương hồi tháng 7 năm trước, giai đoạn 2023-2025 sẽ sắp xếp khoảng 33 huyện và hơn 1.300 xã thuộc diện bắt buộc.

Lê Tuyết