|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM đề xuất 7 dự án vào danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài

16:25 | 13/01/2021
Chia sẻ
4 tuyến đường sắt đô thị cùng 3 công trình khác được TP HCM đề xuất đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài 5 năm tới.

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP HCM đề xuất 7 dự án đưa vào danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, tuyến Metro số 2 (giai đoạn 2 gồm 2 đoạn tuyến: Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - bến xe Tây Ninh ở Củ Chi) dài 9,1 km với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. 

Tuyến Metro số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) dài hơn 19,5 km, tổng mức đầu tư 1,8 tỷ USD.

Tuyến Metro số 4 (Thạnh Xuân - KCN Hiệp Phước) dài 36,2 km, tổng mức đầu tư hơn 4,5 tỷ USD.

Tuyến Metro số 5 (giai đoạn 1, ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) gần 9 km có tổng mức đầu tư hơn 1,7 tỷ USD.

TP HCM đề xuất 7 dự án vào danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Tàu metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên. (Ảnh: Thành ủy TP HCM).

Bên cạnh 4 tuyến metro, TP HCM cũng đề xuất đưa 3 công trình khác vào danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Dự án Trung tâm tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Dự án Khu Liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc; Khu phức hợp Trung tâm Hội nghị triển lãm, Khách sạn và Thương mại dịch vụ tại Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo UBND TP, giai đoạn 2016 - 2020, TP có 11 dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư, nhưng đến nay mới có dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế tại huyện Hóc Môn được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, đang triển khai.

UBND TP HCM cho biết việc các dự án vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vì nhà đầu tư chưa nhìn thấy hiệu quả rõ nét khi tham gia các dự án giao thông, đường sắt đô thị.

Bên cạnh đó, các dự án giao thông, đường sắt đô thị có quy mô và vốn đầu tư lớn, đặc biệt là chi phí liên quan việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, đòi hỏi cần phải có các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực phù hợp. 

Hiện nguồn vốn vay ODA cho đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị ngày càng được thắt chặt, trong khi đó, quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) áp dụng cho dự án giao thông, đường sắt đô thị vẫn còn nhiều bất cập.


Anh Đào

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.