|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM: Bốn giải pháp gỡ hồ sơ nhà, đất trễ hẹn

07:44 | 26/10/2019
Chia sẻ
Trong 10 tháng đầu năm 2019, dù đã giải quyết hơn 500.000 hồ sơ cấp giấy tờ nhà, đất nhưng số hồ sơ trễ hạn vẫn lên đến 35.000 trường hợp.

Ngày 25-10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo triển khai công tác cải cách hành chính năm 2019 tại Sở TN&MT. Một trong những vấn đề nổi cộm là tình trạng hồ sơ nhà, đất trễ hạn.

Bốn giải pháp đột phá trong cải cách hành chính

Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho hay 10 tháng đầu năm 2019, số lượng hồ sơ trễ hạn là 35.000 trường hợp.

Về nguyên nhân trễ hạn, ông Thắng cho biết là do theo quy định mới, thời gian giải quyết hồ sơ bị cắt giảm rất nhiều trong khi vẫn phải đảm bảo quy trình giải quyết hồ sơ như trước đây.

Để giải quyết tình trạng này, giám đốc Sở TN&MT cho biết sở này đã triển khai bốn giải pháp để thực hiện đột phá trong việc cải cách hành chính. Cụ thể, sở này đã công bố niêm yết công khai 120 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai và môi trường để người dân và doanh nghiệp cùng giám sát. 

“Hiệu quả của việc công khai các thủ tục hành chính là trong 10 tháng đầu năm đã có sự chuyển biến rõ rệt và đã giảm được khoảng 4.000 hồ sơ trễ hạn so với trước đây” - ông Thắng cho biết.

Giải pháp đột phá thứ hai theo sở này là phân cấp, ủy quyền ký giấy chứng nhận từ ban giám đốc sở về cho Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP thực hiện với trường hợp cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân. 

Theo giải pháp này thì VPĐKĐĐ TP sẽ ký giấy chứng nhận, đóng dấu và trả kết quả mà không phải chuyển hồ sơ về sở như trước đây. “Việc này đã rút ngắn được 10 ngày giải quyết hồ sơ và giảm được 3-5 ngày luân chuyển hồ sơ đến các đơn vị có liên quan. 

Trong chín tháng đã có 136.000 hồ sơ thực hiện theo phân cấp, ủy quyền, góp phần cải thiện tình trạng trễ hạn hồ sơ từ 10% xuống còn 6,9%” - giám đốc Sở TN&MT đánh giá.

Ông Thắng cho biết sở này đang trình phương án phân cấp về cho các chi nhánh VPĐKĐĐ được ký giấy chứng nhận và trả kết quả thay vì ký tại VPĐKĐĐ như hiện nay. Dự kiến sẽ thực hiện phân cấp về cho 24 chi nhánh, quận, huyện trong tháng 11 tới.

Giải pháp thứ ba là tiến hành liên thông điện tử giữa cơ quan thuế với các chi nhánh VPĐKĐĐ 24 quận, huyện. Thực hiện giải pháp này, thay vì quy trình giải quyết hồ sơ là chín bước sẽ giảm xuống còn hai bước. 

Người dân chỉ cần đến nộp hồ sơ và nhận kết quả mà không phải đi lại nhiều. Ngoài ra, việc thực hiện liên thông thuế cũng giảm đáng kể nhân sự giải quyết hồ sơ, cụ thể trước đây phải có ba lãnh đạo và 12 chuyên viên cùng thực hiện một bộ hồ sơ thì nay chỉ còn một cán bộ và một chuyên viên.

Ông Thắng cho biết hiện nay Sở TN&MT đã thực hiện thí điểm liên thông điện tử với cơ quan thuế tại chi nhánh VPĐKĐĐ quận 1 và quận 12 và đã có khoảng 50.000 hồ sơ thực hiện theo chương trình liên thông này.

Giải pháp cuối cùng là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ nhà, đất. Việc này, hiện Sở TN&MT cũng đang thí điểm tại hai chi nhánh nêu trên và đang tiếp tục xin ý kiến của Bộ TN&MT để nhân rộng cho 24 quận, huyện.

TP HCM: Bốn giải pháp gỡ hồ sơ nhà, đất trễ hẹn - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở TN&MT cần giải thích rõ việc trễ hạn cho người dân và doanh nghiệp hiểu. Ảnh: VIỆT HOA.

Các cơ quan không nên chờ đợi lẫn nhau

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, với mỗi hồ sơ trễ hạn thì thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan đều phải ký giấy xin lỗi người dân vì trễ hạn. Từ đầu năm đến nay, riêng hệ thống VPĐKĐĐ đã có hơn 37.000 thư xin lỗi gửi đến người dân và doanh nghiệp.

“Qua việc gửi thư xin lỗi, sở cũng kiểm tra, xác định trách nhiệm của thủ trưởng, phòng, ban, đơn vị, trong đó có trách nhiệm của cán bộ để chậm so với quy trình” - ông Thắng nói.

Đánh giá về tình trạng trễ hạn hồ sơ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng lý do khách quan một phần là do sự chồng chéo của quy định pháp luật và chưa có hướng dẫn rõ ràng. Mỗi lần TP.HCM giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp gặp vướng mắc lại phải xin ý kiến cấp trên dẫn đến việc phải kéo dài thời gian.

“Với những trường hợp này, quan trọng nhất là phải giải thích rõ ràng để người dân và doanh nghiệp hiểu và chia sẻ chứ không phải do mình trì trệ, không giải quyết” - ông Phong cho hay.

Người đứng đầu UBND TP cũng nhìn nhận thực tế cũng có những trường hợp người dân và doanh nghiệp gửi hồ sơ lâu rồi nhưng không có phản hồi khiến họ bức xúc. Ông Phong chỉ đạo Sở TN&MT phải kiểm tra sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, không nên chờ đợi lẫn nhau dẫn đến người dân cũng phải chờ đợi.

Trong bối cảnh còn nhiều vướng mắc ngoài thẩm quyền, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở TN&MT vẫn phải phục vụ người dân, doanh nghiệp với tinh thần, thái độ hết sức tử tế.

Với những khó khăn, vướng mắc ngoài thẩm quyền, người đứng đầu TP đề nghị Sở TN&MT có kế hoạch mời Bộ TN&MT vào TP.HCM làm việc để cùng lắng nghe và tháo gỡ cho TP.HCM trong thời gian tới.

Việt Hoa