|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu kiểm tra số thu, lưu lượng xe qua trạm BOT

21:00 | 29/05/2020
Chia sẻ
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các Cục quản lý đường bộ, các nhà đầu tư và doanh nghiệp BOT thực hiện kiểm tra số thu, lưu lượng xe qua trạm, sao lưu dữ liệu tại các trạm thu phí.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu kiểm tra số thu, lưu lượng xe qua trạm BOT - Ảnh 1.

Trạm thu phí dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Cục quản lý đường bộ tiếp tục thực hiện kiểm tra số thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, lưu lượng xe qua trạm thu phí và sao lưu dữ liệu tại các trạm thu phí theo Quyết định 4293/2019 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam

"Các chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT cần tăng cường tự kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất việc thu phí. 

Đồng thời, triển khai các biện pháp chống gian lận và thất thoát doanh thu thu phí; có hình thức xử nghiêm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm", Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.

Cùng đó, chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT phải thực hiện quản lý thu phí theo quy định của pháp luật, hợp đồng BOT, các chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. 

Thực hiện chế độ báo cáo, sao lưu dữ liệu, công khai thông tin về dự án theo quy định tại Thông tư 49/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

"Chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm và yêu cầu nhân viên thu phí chấp hành nghiêm chế độ thu phí”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Bộ Giao thông Vận tải cho biết đang quản lý 61 hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức BOT; trong đó có 60 dự án hoàn thành đi vào khai thác.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, trước khi bùng phát dịch COVID-19, qua rà soát số liệu đến hết năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo có 45 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT.

Từ đầu năm 2020 dịch COVID-19, các doanh nghiệp BOT bị ảnh hưởng trực tiếp do lưu lượng phương tiện giảm sâu, dẫn đến doanh thu giảm. 

Qua tổng hợp số liệu thống kê các doanh nghiệp BOT, có tới 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT; trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50% so với dự báo.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện một số doanh nghiệp BOT giao thông chia sẻ, giải pháp tăng phí BOT sẽ giúp doanh nghiệp BOT bù đắp được doanh thu thu thiếu hụt. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh các ngành đều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải do ảnh hưởng của dịch COVID-19, do đó nên tìm giải pháp khác phù hợp hơn để vừa giúp doanh nghiệp BOT bớt khó khăn vừa đảm bảo cho sự phục hồi các lĩnh vực.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty BOT 36.71 (doanh nghiệp dự án BOT Quốc lộ 19) cho hay, doanh thu thu phí tại Dự án BOT Quốc lộ 19 không đạt so với phương án tài chính. 

Đặc biệt từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu tại dự án còn giảm sâu hơn nữa, dẫn đến không đủ tiền trả gốc và lãi cho khoản tín dụng đã vay ngân hàng.

Về giải pháp giúp doanh nghiệp BOT giảm bớt khó khăn, ông Nguyễn Trung Dũng đồng tình với nhiều doanh nghiệp BOT khác về giải pháp khả quan trong thời điểm này là kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương  mại cho phép giữ nguyên nhóm nợ, tái cơ cấu nợ cho các chủ đầu tư BOT, BT. 

Điều này giúp các doanh nghiệp không bị xếp vào nhóm nợ xấu dẫn đến hệ luỵ khác cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…

Quang Toàn