Tồn kho của một số ngành công nghiệp giảm, sản xuất dự báo phục hồi trong quý cuối năm
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2023 tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,7%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2023 tăng 2,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,4% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 13,4%).
Chỉ số tồn kho của một số ngành công nghiệp tại thời điểm 30/9/2023 giảm so với cùng kỳ như sản xuất chế biến thực phẩm giảm 7,6%; sản xuất trang phục giảm 5,3%; sản xuất giấy giảm 6,3; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 37%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 14,3%.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tồn kho của rất nhiều ngành công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ có thể hàm ẩn một sự phục hồi trong chu kỳ sản xuất trong quý cuối năm khi nhu cầu đang cải thiện.
Ở khía cạnh tiêu thụ các sản phẩm ngành công nghiệp, VDSC cho hay chỉ số tiêu thụ cải thiện ở dệt may, chế biến gỗ, kim loại và hoá chất, trong khi mức độ tiêu thụ sản phẩm điện tử chưa có nhiều biến chuyển.
Đồng thời, khảo sát của S&P Global cho thấy hai chỉ báo tích cực khác là tồn kho hàng mua và thành phẩm giảm cùng lúc (lần đầu tiên trong vòng ba tháng) và niềm tin về triển vọng sản lượng trong một năm tới đã phục hồi tháng thứ 4 liên tiếp. Vì vậy, VDSC dự báo hoạt động sản xuất vẫn đang trong xu hướng đi lên.
Dự báo thận trọng hơn, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng mặc dù các ngành sản xuất đang bước vào giai đoạn phục hồi tích cực, sản lượng và đơn hàng mới nhóm công nghiệp chế biến chế tạo đang tăng trở lại, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu nhưng nhìn chung ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.
"Hoạt động sản xuất đã cho thấy những dấu hiệu hồi phục khi những dữ liệu khảo sát cho thấy nhu cầu và niềm tin kinh doanh tăng. Nếu nhu cầu tiếp tục tăng, tình trạng tăng này sẽ dẫn đến tăng trưởng trong ngành. Tuy nhiên nếu tình trạng phục hồi của số lượng đơn đặt hang mới giảm, các công ty sẽ vẫn e ngại trong việc tăng quá nhanh năng lực sản xuất", BSC cho hay.