Tốc độ tăng trưởng kinh tế Bắc Giang dẫn đầu cả nước
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP các năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022 lần lượt là 13,31%, 15,78%, 5,86%, 5,77%, 24,03%.
Theo đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,71%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 35,54% (công nghiệp tăng 37,38%, xây dựng tăng 20,14%); khu vực dịch vụ tăng 7,85%; thuế sản phẩm tăng 6,55%.
Nguyên nhân chính tác động đến tăng trưởng trên là do 6 tháng đầu năm các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, trở lại hoạt động bình thường nên tốc độ tăng trưởng mạnh đã đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành xây dựng tăng cao (tăng 20,14%) do quý II/2021 tỉnh bị ảnh hưởng dịch COVID-19 phải giãn cách toàn tỉnh nên quý II/2021 các công trình gần như ngừng xây dựng, 6 tháng đầu năm 2022 các công trình trở lại xây dựng bình thường nên tốc độ tăng cao.
Có được kết quả tích cực đó là do ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Bắc Giang sớm ban hành kế hoạch, chủ động đề ra nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Chính phủ và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng đó, là sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền trong quản lý, điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua nhiều việc làm cụ thể, thiết thực.
UBND tỉnh Bắc Giang đã tập trung nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo, triển khai hiệu quả các chính sách thích ứng linh hoạt cùng các hoạt động hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp trên địa bàn yên tâm duy trì và mở rộng hoạt động; tập trung đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Cùng với đó, hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối và các hạ tầng phụ trợ khác được quan tâm đầu tư đã thu hút các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Điển hình như việc triển khai mô hình “5 tại chỗ” trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, qua đó góp phần đưa tỷ lệ hồ sơ thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng trên địa bàn đạt 96%, đứng thứ 6 toàn quốc.
Tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh còn chậm; thiếu quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư lớn; số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động tăng mạnh; tình trạng nợ đọng thuế còn cao; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa tốt...
Bắc Giang đặt mục tiêu 6 tháng cuối năm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phấn đấu dẫn đầu cả nước để tạo đà cho những năm tiếp theo. Để đạt được mục tiêu, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương yêu cầu các địa phương, sở, ngành tập trung cao vào hai nhiệm vụ lớn. Đó là quan tâm làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đẩy nhanh các giải pháp phục hồi kinh tế để đưa kinh tế phát triển mạnh hơn, nhanh, vững chắc hơn nữa.
Cùng đó, các địa phương, ngành liên quan tập trung phối hợp làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, nhất là tại các dự án khu công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng khu công nghiệp, triển khai tốt quy hoạch tỉnh; phát triển đồng đều tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, văn hóa, xã hội./.