Tòa Hình sự quốc tế sẽ xử tội ác môi trường
|
Trong tuyên bố có tên “Change of Focus” (thay đổi trọng tâm), tòa ICC cho biết sẽ ưu tiên xét xử các hành vi “tàn phá môi trường”, “khai thác phi pháp tài nguyên thiên nhiên” và “tước đoạt bất hợp pháp” đất đai. Điều đó có nghĩa là từ nay, các hành vi này có thể bị đưa ra xét xử trước tòa ICC về tội chống lại loài người.
Tòa ICC là một tổ chức tư pháp quốc tế được thành lập năm 2002 theo Quy chế Rome 1998 (Rome Statute) hoạt động dưới sự hậu thuẫn của Liên hiệp quốc, trụ sở tại The Hague, Hà Lan.
Từ khi thành lập tới nay tòa ICC chủ yếu chỉ xét xử các tội ác diệt chủng, tội phạm chiến tranh; đứng trước vành móng ngựa là các chính trị gia, chỉ huy quân đội, lãnh đạo các tổ chức khủng bố.
Nay với tuyên bố mới, tòa ICC sẽ xem xét các tội chống lại loài người theo ý nghĩa rộng rãi hơn. Có ý kiến không tán thành điều đó vì cho rằng ICC sẽ đưa ra định nghĩa mới về tội phạm hoặc mở rộng quyền tài phán (jurisdiction) của mình.
Nhưng Giáo sư Alex Whitting, trường Luật Đại học Harvard và từng làm việc tại văn phòng công tố ICC năm 2010-2013, giải thích: “Tòa ICC không thay đổi định nghĩa về tội phạm, cũng không mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật hoặc tạo ra các loại tội phạm mới; họ chỉ chú ý đặc biệt tới các tội ác gây ra tác hại môi trường sống đã được xác định trong Quy chế Rome”.
Tuyên bố cũng có một điều khoản riêng về tội chiếm đất. Hành vi chiếm đất đã và đang diễn ra rất phổ biến trên khắp thế giới; trong vòng 10 năm qua các chính phủ quốc gia và chính quyền địa phương đã cấp cho các công ty tư nhân hàng triệu héc ta đất.
Tổ chức chống tham nhũng Global Witness có trụ sở tại Anh Quốc, nói rằng những vụ chiếm đất đã làm cho hàng triệu người dân phải bị cưỡng bức di dời, hủy diệt văn hóa của các tộc người bản địa, nạn suy dinh dưỡng và môi trường bị tàn phá.
“Xét về tác động tiêu cực đối với cuộc sống người dân thì tước đoạt đất đai, đôi khi dưới chiêu bài “phát triển”, cũng tai hại không kém chiến tranh”, bà Alice Harrison, cố vấn của Global Witness, nhận xét.
“Các ông chủ tập đoàn, các chính trị gia chủ trương chiếm đất bằng bạo lực, san phẳng các cánh rừng nhiệt đới, đầu độc các nguồn nước... chẳng bao lâu nữa sẽ thấy mình đứng trước tòa ICC cùng với các nhà độc tài và tội phạm chiến tranh”, tuyên bố của Global Witness do Gillian Caldwell, Giám đốc điều hành của tổ chức này ký tên, cảnh báo.
“Chiếm đất tự nó không phải là một tội ác. Nhưng cưỡng bức di dời số đông người như là hậu quả của việc chiếm đất có thể được coi là tội ác chống lại loài người”, luật sư Richard Rogers của hãng luật hình sự quốc tế Global Diligence, nói và dự báo quyết định của ICC có thể làm thay đổi cung cách làm ăn của các nhà đầu tư ở một số quốc gia.
Theo Quy chế Rome, tòa ICC có thể hành động nếu tội ác xảy ra ở một trong 124 quốc gia thành viên đã phê chuẩn Quy chế Rome, nếu kẻ phạm tội đến từ một trong 124 quốc gia đó hoặc nếu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc yêu cầu. Tòa ICC chỉ xét những hành vi phạm tội xảy ra sau ngày 1-7-2002 là ngày ICC chính thức thành lập và hoạt động.
Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý, giáo sư luật David Bosco của Đại học Indiana và là tác giả cuốn sách “Rough Justice” về tòa ICC nghi ngờ việc ICC theo đuổi các tội ác liên quan đến doanh nghiệp và tập đoàn có thể sẽ không thực tế.
Ông Bosco khuyến nghị, thay vì trực tiếp xét xử các hành vi tàn phá môi trường và chiếm đất, ICC nên hợp tác với các chính phủ quốc gia, tiến hành xét xử theo luật quốc gia thay vì luật quốc tế nhưng sử dụng chuyên môn và ảnh hưởng của ICC để hỗ trợ điều tra.
Giáo sư Whitting của trường Harvard cũng thừa nhận, “tòa ICC là một định chế mong manh, có quyền lực và khả năng rất hạn chế”. Tuy nhiên, theo Giáo sư Mark Kersten, Đại học Toronto, Canada, sự thay đổi trọng tâm của tòa ICC dù sao cũng có ý nghĩa tượng trưng.
“Tôi cho rằng ý tưởng tòa ICC xét xử các tội ác môi trường là một bước phát triển đáng hoan nghênh. Còn ý tưởng đó sẽ thành công hay thất bại thì tùy vào sự cộng hưởng giữa tòa ICC với cuộc sống của người dân trong các cộng đồng bị những tội ác này phá hoại”, ông Kerstren viết trong một e-mail gửi tới báo The Washington Post hôm 16-9.
Xem ra, việc đưa các vụ án môi trường và đất đai ra trước tòa ICC là không dễ, ít nhất là trong thời gian trước mắt.