|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công 3 chương trình mục tiêu quốc gia

20:17 | 28/02/2023
Chia sẻ
Hiện Việt Nam có 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư của 3 chương trình năm 2022 chưa đạt theo yêu cầu đề ra. Do vậy, các giải pháp để thúc đẩy tiến độ giải ngân 3 chương trình này vẫn đang tiếp tục được triển khai trong năm 2023.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công 3 chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh 1.

Tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 57% kế hoạch vốn

Bộ Tài chính cho biết, các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) được triển khai đồng bộ tại các địa phương đã tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Đặc biệt, các CTMTQG đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Tuy nhiên, tốc độ giải ngân các chương trình này trong năm 2022 rất chậm. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân của 3 CTMTQG khi hết năm ngân sách (tính đến tháng 1/2023) là 13.761 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch vốn (24.000 tỷ đồng).

Cụ thể, Chương trình xây dựng nông thôn mới có tổng mức vốn là 9.000 tỷ đồng, ước hết tháng 1/2023 giải ngân đạt 65% tổng số vốn. Chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững có tổng mức vốn là 6.000 tỷ đồng, ước hết tháng 1/2023 giải ngân đạt 56% tổng số vốn. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tổng mức vốn là 9.000 tỷ đồng, ước đến hết tháng 1/2023 giải ngân đạt 51% tổng số vốn.

Nhận diện các khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân

Từ thực tế triển khai tại địa phương, các khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân đã được nhận diện. Cụ thể là một số quy định chưa thống nhất giữa các văn bản của bộ ngành trung ương gây khó khăn, lúng túng cho địa phương, thậm chí có hướng dẫn còn chưa phù hợp với thực tế. Nhiều nội dung công việc quan trọng phải chờ các bộ, ngành có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể.

Một số dự án thiếu hướng dẫn, chưa có định mức hỗ trợ; thiếu hướng dẫn với các thôn, xã vùng miền núi dân tộc thiểu số sau khi sáp nhập… Một số trình tự, thủ tục còn rườm rà, làm tăng thời gian triển khai dự án; chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế về triển khai ứng dụng khám chữa bệnh từ xa; thiếu quy định về chi cho công tác tuyên truyền, xử lý nước thải. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn về tiêu chí huyện nông thôn mới…

Tuy nhiên, theo báo cáo tổng hợp từ Bộ Tài chính, vướng mắc nhất hiện nay chính là CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn một số đơn giá, định mức hỗ trợ chưa được ban hành.

Cụ thể, Ủy ban Dân tộc chưa ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các đơn giá, định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung, đầu tư kiên cố hóa đường đến trung tâm xã và nội dung hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi…

Bộ Thông tin và Truyền thông chưa ban hành nội dung đầu tư thực hiện hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự…

Tổng kế hoạch vốn năm 2023 là 24.216,812 tỷ đồng

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn 3 CTMTQG của năm 2023 là 24.216,812 tỷ đồng. Hết tháng 1/2023 các địa phương đã giải ngân được trên 272 tỷ đồng, đạt hơn 6,5%.

Mới đây, trong các cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Trung du, miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các CTMTQG, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc ban hành các văn bản quản lý, điều hành; hoàn tất việc phân bổ vốn của năm 2023 đã được trung ương giao; cân đối vốn đối ứng của các địa phương cho các CTMTQG.

Phó Thủ tướng cũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là các địa phương phải rà soát lại danh mục các dự án, tránh đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư, tốn thời gian thực hiện quy trình thủ tục, rủi ro về công tác cán bộ.

Cùng với đó, các địa phương phải tăng cường phối hợp, cộng đồng trách nhiệm vì các chương trình đều có nhiều dự án, tiểu dự án, được triển khai trên nhiều địa bàn, lĩnh vực, có sự phân cấp mạnh mẽ; tăng cường kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời phát hiện vấn đề để xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng xử lý.

Đối với các bộ, ngành trung ương, Phó Thủ tướng yêu cầu trong quý I/2023 dứt khoát hoàn tất việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại; tiếp tục rà soát lại các văn bản đã ban hành để sửa đổi, bổ sung những quy định còn chồng chéo thuộc thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các địa phương trên nguyên tắc phân cấp mạnh cho các địa phương, nội dung quy định cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, bớt quy trình.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

KL