|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thừa Thiên Huế: Xây dựng đô thị di sản

07:44 | 25/12/2019
Chia sẻ
Thừa Thiên - Huế cần nhấn mạnh hơn những giá trị di sản riêng có nhưng cũng nên lưu ý cải thiện đời sống, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập người dân.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Huế vẫn bảo tồn được nhiều công trình có giá trị độc đáo. Những công trình này vừa đa dạng, phong phú, vừa đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc, có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa, nghệ thuật. 

Và đây cũng là lợi thế để tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng và phát triển trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Cố đô Huế hiện có 7 di sản thế giới được UNESCO công nhận, trong đó, 5 di sản thuộc triều đại nhà Nguyễn, đủ cả 3 loại hình: vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu. Huế cũng là vùng đất có nhiều di sản tự nhiên độc đáo, có giá trị tiêu biểu nổi bật không chỉ trong phạm vi đất nước và khu vực, như sông Hương, đầm phá Tam Giang, vịnh Lăng Cô-Chân Mây, rừng quốc gia Bạch Mã.

Thừa Thiên Huế: Xây dựng đô thị di sản - Ảnh 1.

Không gian đô thị Thừa Thiên Huế.

Trong đề án xây dựng và phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Thừa Thiên - Huế mở rộng đô thị Huế. Đô thị mới bao gồm thành phố Huế hiện hữu và một phần thuộc các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang, với diện tích khoảng 348 km², rộng gấp 5 lần so với diện tích thành phố Huế hiện nay. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng: Huế lâu nay thường được nhìn nhận như một nơi rất khó khăn về kinh tế, chính điều đó làm hình ảnh đô thị Huế bị mờ nhạt.

Nếu mở rộng không gian đô thị Huế, chuyển Thừa Thiên Huế thành một thành phố di sản, đòi hỏi phải có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu chức năng, phải tạo ra mối liên kết giữa đô thị truyền thống và các khu đô thị mới. Quan trọng là tạo được hình thái đô thị đặc thù mang đậm tính chất di sản của Việt Nam và mở rộng không gian dịch vụ đô thị, thúc đẩy sự phát triển của cư dân đô thị. 

Ông Nguyễn Xuân Hoa đề xuất, Thừa Thiên - Huế cần nhấn mạnh hơn những giá trị di sản riêng có nhưng cũng nên lưu ý cải thiện đời sống, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập người dân theo hướng phát triển kinh tế dịch vụ đô thị, dịch vụ văn hóa du lịch.

Thừa Thiên Huế: Xây dựng đô thị di sản - Ảnh 2.

Hai bên bờ sông Hương trục xương sống trong quá trình mở rộng đô thị Huế.

Ông Hoa nói: "Để Thừa Thiên - Huế thực sự là một đô thị di sản thì cần phải có những tác động mạnh hơn nữa, để tạo ra chuyển biến về kinh tế. Điểm yếu của đô thị Huế đó là dịch vụ đô thị chưa có điều kiện để phát triển, chưa có những cơ sở dịch vụ có quy mô lớn, chưa có những đầu tư có thể tạo ra bứt phá, chưa phát triển về dịch vụ đa dạng của một đô thị".

Cố đô Huế được đánh giá là nơi bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán... 

Nhiều năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực sự biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển địa phương. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tạo nên các thương hiệu ấn tượng như “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”...

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng: Huế là cố đô còn giữ được hình hài nguyên vẹn. Vì vậy, phát triển Huế theo hướng đô thị di sản là cần thiết.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải nói: "Cần có sự tổng kiểm kê đánh giá để nhận diện một cách đầy đủ tất cả các giá trị di sản của Huế hiện nay đang sở hữu. Từ đó chúng ta có quy hoạch đúng. 

Song song với nó, chúng tôi cho rằng đó là chúng ta đang hướng cái trọng tâm về cái việc khai thác di sản và biến di sản thành tiềm năng của sự phát triển, trong đó trọng tâm là phát triển về du lịch dịch vụ. Hệ thống thiết chế, hệ thống về cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch cũng cần thiết".

Thừa Thiên Huế: Xây dựng đô thị di sản - Ảnh 3.

Thành phố Huế sẽ mở rông gáp 5 lần hiện nay.

Trong Nghị quyết 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nêu rõ quan điểm, cần xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. 

Việc xây dựng Thừa Thiên - Huế phải trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng như kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, vị trí cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây và con người Huế…

Mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế. Phấn đấu đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Trong những lần làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Di sản cố đô Huế là tài sản của Quốc gia, việc bảo tồn và gìn giữ di sản này là của cả nước. Thủ tướng cũng gợi ý rằng, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Huế rất phong phú, là nguồn lực hết sức quý báu cho phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Trong quá trình phát triển, tỉnh cần áp dụng mô hình tăng trưởng là tối ưu hoá cạnh tranh, tăng cường liên kết hạ tầng, đô thị ven biển, các trường đại học

"Các đồng chí vẫn tiếp tục đi đầu trong xây dựng điện tử ở Việt Nam với tư cách là chính quyền địa phương, trong đó có vấn đề xây dựng đô thị thông minh, đó là nền tảng quan trọng thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn, để mà công khai, để mà minh bạch. Chúng ta phải đẩy mạnh hơn, đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân và du khách, du khách tới Huế yên tâm hơn", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Với những thành tựu đạt được trong những năm gần đây, Thừa Thiên - Huế vừa phát triển, mở rộng các khu đô thị hài hòa, vừa bảo tồn theo hướng bền vững. Cán bộ và nhân dân nơi đây đang tập trung xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành Thành phố di sản cấp Quốc gia trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. 

Địa phương đang thu hút mọi nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng và bảo tồn di sản. Đây cũng là lời giải cho “bài toán khó” giữa bảo tồn và phát triển ở Thừa Thiên Huế hàng chục năm qua.

Lê Hiếu

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.