Thủ tướng yêu cầu xử lý nợ xấu một cách thực chất
Trong 2 ngày, từ 30-31/8/2016, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2016, các thành viên Chính phủ đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và nhiều rủi ro, trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ nhưng lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Tín dụng tăng, chất lượng được cải thiện; mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng cao. Sản xuất nông nghiệp phục hồi, khu vực dịch vụ phát triển mạnh
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thừa nhận những khó khăn của nền kinh tế như nợ công cao, xử lý nợ xấu còn chậm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, xuất khẩu tăng thấp. Tình trạng vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng còn gây bức xúc cho người dân, diện tích rừng bị cháy và bị chặt phá còn lớn;…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về cơ bản tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Thủ tướng cũng hoan nghênh và đánh giá cao nhiều bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả.
Thủ tướng lưu ý cần bảo đảm tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế theo kế hoạch, tránh dồn vào những tháng cuối năm, thực hiện lộ trình giảm lãi suất cho vay, chú trọng nhiệm vụ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu một cách thực chất.
Đồng thời, quyết liệt chống thất thu, nợ đọng thuế, tăng thu NSNN, đánh giá tình hình chuyển giá và có biện pháp xử lý hiệu quả. Chỉ đạo lập dự toán NSNN bảo đảm có tiêu chí, định mức rõ ràng, công khai, minh bạch, khả thi.
Quyết tâm thực hiện các giải pháp bảo đảm nhiệm vụ tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy mạnh tăng trưởng công nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường bảo đảm xuất khẩu đạt kế hoạch đề ra.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho ý kiến về một số định hướng lớn trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.