Thủ tướng đồng ý việc vay 2 tỷ USD cho phát triển ĐBSCL
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ chiều 31/3, bên cạnh việc xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước trong quý I năm 2021, Chính phủ cũng thảo luận báo cáo về chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách cho mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng nhất trí về nguyên tắc cho việc vay nguồn vốn quốc tế với tổng số khoảng 2 tỷ USD (của Ngân hàng Thế giới, của Đức, Pháp) cho mục tiêu phát triển ĐBSCL.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) sớm hoàn thiện quy hoạch ĐBSCL, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan tách ra các dự án đầu tư cụ thể.
Bộ KH&ĐT xác định dự án đầu tư nào thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương, cấp phát 100%
Với dự án nào thuộc trách nhiệm của tỉnh, địa phương vay lại theo quy định hiện hành.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ sửa Nghị định 97 theo hướng có tỷ lệ vay lại hợp lý hơn nhằm tạo thuận lợi cho các tỉnh khó khăn, trong đó có các tỉnh ĐBSCL, nhất là các giai đoạn bị tác động của COVID-19 còn kéo dài.
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững ĐBSCL sáng 13/3, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết trong giai đoạn 2021-2025, ĐBSCL sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng như thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng như quốc lộ 30, 53, 57.
Chính phủ cũng sẽ đầu tư đường băng số 2 cho sân bay Phú Quốc; xây cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Đại Ngãi, tuyến Mỹ An - Cao Lãnh, tuyến An Hữu - Cao Lãnh, tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; hoàn thiện hệ thống thủy lợi tứ giác Long Xuyên; nâng cấp, cải tạo kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng.
Các công trình thủy lợi cũng được quan tâm đầu tư, như dự án hoàn thiện các hệ thống thủy lợi Bảo Định, Gò Công, Tân Trụ; kè bảo vệ và chống sạt lở luồng sông Hậu; các công trình chuyển nước cho bán đảo Cà Mau; các công trình trữ nước, chống xâm nhập mặn…
Riêng nguồn vốn ODA sẽ dành để hoàn thành được các công trình như đường ven biển đối với các tỉnh có biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang, hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng tứ giác Long Xuyên, một số công trình giao thông liên tỉnh có tính lan tỏa, động lực...