|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp: thực tiễn tại Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước

07:13 | 11/12/2016
Chia sẻ
Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là tổ chức kinh tế đặc biệt của Chính phủ, được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của quá trình sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Việc SCIC ra đời có ý nghĩa quan trọng góp phần đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ cơ chế hành chính sang cơ chế đầu tư, kinh doanh vốn. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, SCIC đã không ngừng gia tăng tích tụ vốn, đầu tư theo đúng kế hoạch, đồng thời thực hiện thoái vốn theo đúng định hướng của Chính phủ.

thoai von nha nuoc tai doanh nghiep thuc tien tai tong cong ty dau tu va kinh doanh von nha nuoc

Tình hình bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Xuất phát từ nhu cầu tách bạch các chức năng quản lý và chủ sở hữu vốn nhà nước, năm 2005, Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ với mục đích đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) từ cơ chế mệnh lệnh hành chính sang cơ chế đầu tư, kinh doanh vốn; trong đó, Nhà nước đóng vai trò là cổ đông thông qua SCIC.

Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, SCIC đã từng bước bảo toàn vốn của Nhà nước và không ngừng phát triển với mức tăng trưởng rất cao. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, SCIC đã bán vốn tại trên 900 DN, trong đó bán hết vốn tại 821 DN, bán một phần vốn tại 79 DN và bán quyền mua tại 19 DN với giá vốn là 5.724 tỷ đồng và thu về 14.109 tỷ đồng, gấp 2,5 lần giá vốn, trong khi mức trung bình chung thoái vốn nhà nước chỉ là 1,5 lần. SCIC là Tổng công ty đầu tiên thực hiện việc thoái vốn với quy trình chuyên nghiệp từ định giá đến tổ chức đấu giá, khớp lệnh, giao dịch ngoài sàn, thỏa thuận, chào bán cạnh tranh, bán cả lô…

Hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC tập trung vào những dự án có quy mô lớn trong các lĩnh vực trọng yếu và có triển vọng lâu dài, đảm bảo hiệu quả. Quá trình đầu tư được nghiên cứu phân tích kỹ lưỡng theo các phương pháp chuyên nghiệp trên cơ sở áp dụng các công cụ hiện đại; các đối tác đầu tư của SCIC là những thương hiệu lớn mang tầm quốc tế và khu vực như MB, Vincom, Vietcombank, Temasek…

Điển hình có thể kể tới một số thương vụ như:

Công ty cổ phần Du lịch Đồ Sơn: Giá trị sổ sách là 4,5 tỷ đồng bán được trên 155 tỷ đồng, cao gấp 34 lần. Sau khi tiếp nhận, SCIC đã quyết liệt thực hiện tái cơ cấu Công ty cổ phần Du lịch Đồ Sơn. DN đã cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 28% vào năm 2014, tăng trưởng hơn so với nhiều năm trước. Kết quả đấu giá, SCIC đã thực hiện chuyển nhượng cho nhà đầu tư với giá là 336.600 đồng/cổ phiếu, thu về 151,63 tỷ đồng, gấp 34 lần giá trị vốn nhà nước ban đầu.

Công ty cổ phần Giày Đông Anh: Giá khởi điểm 302.000 đồng/cổ phần, giá đấu thành công gấp 4 lần giá khởi điểm. DN này có vốn điều lệ 9,2 tỷ đồng, vốn nhà nước 45% do SCIC đại diện. Trong vòng 7 năm, do một nhóm cổ đông thao túng, công ty không tổ chức đại hội cổ đông, vai trò cổ đông nhà nước không được công nhận. Nhờ nỗ lực đấu tranh và biện đến tòa án, SCIC mới khôi phục được quyền cổ đông, thực hiện tái cơ cấu công ty và đến năm 2015 mới hoàn tất việc bán vốn, giá trị gấp gần 4 lần giá khởi điểm...

thoai von nha nuoc tai doanh nghiep thuc tien tai tong cong ty dau tu va kinh doanh von nha nuoc

Theo nhận định của giới chuyên gia, cơ chế bán vốn mà SCIC đã xây dựng và triển khai rất linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đông đảo các nhà đầu tư tham gia. SCIC tích cực tham gia tái cấu trúc DN nhằm gia tăng giá trị vốn nhà nước tại DN sau đó mới thực hiện bán vốn.

Định hướng bán vốn của SCIC trong thời gian tới

Thời gian qua, Chính phủ đã quyết định thoái vốn khỏi 10 DN do SCIC nắm giữ như: Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia, Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty Hạ tầng và bất động sản Việt Nam, Công ty Nhựa Bình Minh, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang và Công ty viễn thông FPT. Việc thoái vốn tại 10 DN này là phù hợp với bối cảnh hiện tại và đáp ứng yêu cầu hội nhập. Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, SCIC đã chủ động báo cáo đề xuất với Bộ Tài chính và Chính phủ về lộ trình, phương thức thoái vốn tại các DN này.

SCIC đang nỗ lực phấn đấu để trở thành tổ chức kinh tế đặc biệt, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; với tổng tài sản khoảng 22,5 tỷ USD vào năm 2020 (tăng trưởng bình quân 40%/năm giai đoạn 2015 - 2020), đến năm 2030 đạt khoảng 46 tỷ USD (tăng trưởng bình quân hơn 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030).

Cụ thể, việc thoái vốn 9% cổ phần của nhà nước tại Vinamilk được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đó là, rút vốn tại DN nhà nước phải theo trật tự và có hiệu quả cao, ổn định sự phát triển của DN sau khi thoái vốn, vì đó là những DN lớn ảnh hưởng đến an sinh xã hội, thị trường chứng khoán…

Với 9 DN lớn còn lại nằm trong kế hoạch thoái vốn đã được dự kiến từ đầu năm 2016, SCIC cũng đang xây dựng lộ trình báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt để có thể tiến hành việc bán vốn ngay tại một số DN trong nửa đầu năm 2017. Việc bán vốn nhà nước tại các DN trên phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, thông lệ thị trường bảo đảm công khai, minh bạch.

SCIC đang nỗ lực lực phấn đấu để trở thành tổ chức kinh tế đặc biệt, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước; với tổng tài sản khoảng 22,5 tỷ USD vào năm 2020 (tăng trưởng bình quân 40%/năm giai đoạn 2015 - 2020), đến năm 2030 đạt khoảng 46 tỷ USD (tăng trưởng bình quân hơn 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030).

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, SCIC sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, cần tập trung đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tách bạch chức năng quản trị DN, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đang do các bộ, ngành, địa phương thực hiện và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN về SCIC.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu áp dụng các chuẩn mực quản trị DN tiên tiến; Tăng cường giám sát, nâng cao trách nhiệm của hội đồng quản trị trong DN gắn với từng loại hình DN; Củng cố, nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh của tổng công ty thông qua xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, hoàn thiện bộ máy tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, áp dụng các chuẩn mực quản trị tiên tiến; Tăng cường trách nhiệm của người đại diện; Tăng cường năng lực quản trị của các đơn vị thành viên, hoàn thiện hệ thống thông tin và công nghệ thông tin hiện đại.

Thứ ba, tăng cường đầu tư vào các dự án trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; lĩnh vực theo nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bằng nguồn vốn kinh doanh hoặc nguồn vốn của Chính phủ. Đồng thời, đầu tư bổ sung vốn vào các DN có vốn của SCIC; Các dự án, ngành, lĩnh vực đem lại hiệu quả kinh tế khác theo các phương thức: Đầu tư góp vốn thành lập DN mới; góp vốn liên doanh, liên kết; mua một phần tài sản hoặc toàn bộ DN khác; đầu tư thông qua việc mua, bán cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính khác...

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động mua bán và sáp nhập DN, triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài (SCIC trực tiếp đầu tư và đầu tư thông qua các DN có vốn của SCIC); từng bước triển khai hoạt động tư vấn quản trị DN và tư vấn đầu tư; tư vấn cổ phần hóa; tư vấn xây dựng chiến lược kinh doanh; tư vấn đầu tư vào các tài sản tài chính; tư vấn đầu tư dự án trong và ngoài nước; tư vấn huy động vốn thông qua thị trường tài chính; tư vấn mua bán và sáp nhập DN...

Tài liệu tham khảo:

1. Công văn số 1787/TTg-ĐMDN về 19 DN thuộc diện đầu tư, nắm giữ lâu dài trong Đề án chiến lược của SCIC;

2. Nâng cao hiệu quả công tác đại diện phần vốn Nhà nước tại DN ngày 11/10/2016;

3. Các trang website: www.scic.vn, tapchitaichinh.vn.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 10/2016

Bùi Đức Long

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.