|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thị trường việc làm ở hầu hết các nền kinh tế phát triển đang phục hồi

05:29 | 05/05/2021
Chia sẻ
Các doanh nghiệp đang tuyển dụng và tỷ lệ thất nghiệp đang giảm ở hầu hết các nền kinh tế phát triển nhờ hy vọng vaccine sẽ đẩy lùi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, không phải mọi việc làm đều được phục hồi.

Đại dịch đã đánh bật những lao động lớn tuổi và làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng khi những lao động có thu nhập thấp chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng. Các nhà kinh tế cảnh báo thị trường việc làm trên toàn cầu cần nhiều thời gian mới quay lại mức trước khủng hoảng.

Thị trường việc làm đang phục hồi của Mỹ đã tạo ra các cơ hội nhanh hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế và các chủ sử dụng lao động. Số việc làm phi nông nghiệp tăng 916.000 trong tháng Ba, vượt so với mức dự báo trung bình của các nhà kinh tế là 660.000. 

Phụ nữ người da đen bị tụt lại so với các nhóm khác về tốc độ tăng trưởng việc làm. Bloomberg Economics dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ giảm xuống dưới 6% trong quý này, sau đó hướng tới mức 5,1% trong quý IV/2021 và giảm xuống 4% vào cuối năm 2022.

Thị trường việc làm tại Nhật Bản dù vững cũng có những điểm yếu. Số cơ hội việc làm vẫn giảm mạnh so với mức trước đại dịch, khi tốc độ tuyển dụng tại các khách sạn, nhà hàng và quán bar thấp. Số người thất nghiệp gia tăng do những người nghỉ phép và số người ra khỏi thị trường lao động tăng lên. 

Bloomberg Economics nhận định tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản sẽ tăng lên khoảng 3% trong quý II/2021, khi các biện pháp nhằm kiểm soát dịch ảnh hưởng đến lĩnh vực dịch vụ.

Tại Đức, thị trường việc làm ổn định hơn các nước khác ở châu Âu, khi nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều hơn vào lĩnh vực chế tạo ngay cả khi hàng nghìn doanh nghiệp vẫn chịu tác động do các hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch được kéo dài gần đây. 

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong gần sáu tháng phong tỏa và thị trường lao động vẫn còn một chặng đường dài trước khi phục hồi hoàn toàn. 

Bloomberg Economics dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Đức sẽ giảm xuống 4,2% trong quý IV/2021 và 4% vào cuối năm 2022.

Với Anh, thị trường việc làm nước này bất ngờ yếu trong tháng Ba khi số việc làm trong các doanh nghiệp lần đầu tiên giảm trong bốn tháng và thêm nhiều người ra khỏi lực lượng lao động. Thất nghiệp dài hạn trong giới trẻ là vấn đề đặc biệt gây lo ngại. Số việc làm vẫn giảm 800.000 so với mức trước đại dịch. 

Bloomberg Economics nhận định tỷ lệ thất nghiệp tại Anh sẽ đạt đỉnh 6% trong quý IV/2021 trước khi giảm xuống 4,8% trong quý cuối năm 2022.

Trong khi số người tìm việc làm tại Pháp giảm từ mức cao kỷ lục trong đợt phong tỏa đầu tiên, con số này vẫn vượt mức trước đại dịch và khoảng 2 triệu người vẫn tham gia chương trình việc làm tạm thời trong tháng Hai. 

Số người đăng ký đào tạo tăng vọt cho thấy người lao động Pháp đang chuẩn bị cho sự thay đổi căn bản của thị trường lao động. Bloomberg Economics dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Pháp sẽ tăng lên 8,3% trong quý III/2021, trước khi giảm xuống 8% trong quý IV/2022.

Tại Italy (I-ta-li-a), khoảng 896.000 việc làm bị mất kể từ khi đại dịch bùng phát tháng Hai năm ngoái. Đây là một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, nguyên nhân khiến nền kinh tế giảm gần 9% trong năm ngoái. 

Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã giảm từ 10,2% trong tháng Hai xuống 10,1% trong tháng Ba. Phụ nữ và thanh niên, lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng mạnh nhất của đại dịch. 

Bloomberg Economics dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Italy sẽ giảm xuống 9,4% trong quý IV/2021 trước khi giảm xuống 8,9% vào cuối năm 2022.

Nền kinh tế Canada (Ca-na-đa) đã phục hồi khoảng 90% trong gần 3 triệu việc làm bị mất trong làn sóng dịch đầu tiên, so với chỉ trên 60% tại Mỹ. 

Trong nhiều tháng, số liệu việc làm đã cho thấy sự phục hồi gây ngạc nhiên cho cả những nhà phân tích lạc quan nhất, buộc Ngân hàng trung ương Canada trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên thông báo kế hoạch giảm bớt các biện pháp kích thích khẩn cấp. 

Bloomberg Economics nhận định tỷ lệ thất nghiệp tại nước này sẽ giảm xuống 6,7% trong quý IV/2021 và sau đó giảm xuống 5,9% trong quý IV/2022.

Thị trường việc làm Hàn Quốc mới chỉ bắt đầu phục hồi nhưng phần lớn số việc làm tăng thêm là việc làm tạm thời và được trả công nhật, với số việc làm và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước khủng hoảng. 

Tăng trưởng lương vẫn thấp và tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ vẫn là cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi, trong khi hoạt động tuyển dụng lao động từ 60 tuổi trở lên ít chịu ảnh hưởng nhất trong đại dịch. 

Bloomberg Economics dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc trung bình sẽ khoảng 4% trong năm nay.

Australia (Ôx-trây-li-a) là một trong số những quốc gia đầu tiên phục hồi được toàn bộ việc làm bị mất trong đại dịch, cho thấy việc sớm kiểm soát được đại dịch và sự hỗ trợ lớn từ chính sách tiền tệ đối với sự phục hồi của nền kinh tế. 

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao kỷ lục và tỷ lệ thất nghiệp đang giảm nhanh. 

Tuy nhiên, tăng trưởng lương yếu và trong khi tình trạng thiếu việc làm giảm, nhiều người muốn làm thêm giờ. Bloomberg Economics nhận định tỷ lệ thất nghiệp tại nước này sẽ giảm chậm trong trong nửa cuối năm 2021 và sẽ giảm xuống dưới 5% vào năm 2024.

Lê Minh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.