|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thị trường M&A toàn cầu xáo trộn vì COVID-19

06:00 | 15/08/2020
Chia sẻ
Thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trên toàn cầu đang “nín thở”. Trong khi dấu vết của đại dịch COVID-19 đã hiển hiện trong tài khoản của các công ty, nhiều dự án M&A đã bị xáo trộn, thậm chí bị thay đổi so với dự kiến ban đầu.

Công ty Alstom của Pháp mới đây cho biết đang muốn thảo luận với Bombardier Transport với lưu ý rằng đối tác Canada (Ca-na-đa) này đang đối mặt với "nhiều khó khăn" nảy sinh sau ngày 17/2. Đó là thời điểm Alstom công bố mua lại hoạt động vận chuyển của Bombardier với giá từ 5,8-6,2 tỷ euro (6,85-7,3 tỷ USD).

Tập đoàn kính mắt EssilorLuxottica (Pháp-Italy) cũng thông báo rằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra tại GrandVision có thể dẫn đến khả năng chấm dứt kế hoạch mua công ty Hà Lan này với giá 7,2 tỷ euro (8,5 tỷ USD). Hai bên sẽ đưa nhau ra tòa.

Tuần trước, công ty bảo hiểm Axa (Pháp) đã công bố hủy bỏ thương vụ bán công ty con Axa Life Europe cho quỹ đầu tư Cinven (Anh), vốn đã được công bố hai năm trước với giá 1,2 tỷ euro (1,4 tỷ USD). Axa đã nêu lý do "giao dịch đặc biệt phức tạp" và tác động của COVID-19 để biện minh cho việc rút lui này.

Theo ông Yann Krychowski, Giám đốc công ty tài chính Barclays tại Pháp, Bỉ và Luxembourg (Lúc-xăm-bua), vấn đề nằm ở việc định giá giữa người bán, những người muốn giữ giá trước cuộc khủng hoảng, và người mua, những người thấy rõ kết quả kinh doanh hàng quý suy giảm và triển vọng không chắc chắn. 

Trên thực tế, thị trường lao dốc trong tháng Ba đã làm chững lại kế hoạch vốn hóa thị trường của nhiều công ty, sau đó họ còn bị suy yếu hơn nữa do ảnh hưởng của lệnh phong tỏa tại nhiều quốc gia.

Một số người mua đã phải lùi bước trước sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào mùa Xuân 2020. Hồi tháng Năm, công ty bảo hiểm Covéa (Pháp) đã phải từ bỏ việc mua lại công ty tái bảo hiểm PartnerRe từ Exor (Hà Lan) với giá 9 tỷ USD. 

Bị thất thu bởi việc đóng cửa hoạt động giao thông hàng không quốc tế, Boeing đã từ bỏ dự án mua lại nhà sản xuất máy bay Embraer của Brazil (Bra-xin) với giá 4,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Jérémie Marrache, người phụ trách mảng M&A của chi nhánh Goldman Sachs tại Pháp, tình hình không quá mức tồi tệ vì phần lớn các giao dịch được ký kết trước đại dịch COVID-19 đã diễn ra tốt đẹp. 

Nhiều dự án bị trì hoãn song rất nhiều công ty đang hoạt động trở lại và đang tìm kiếm những cơ hội tiềm năng. Ông Marache không loại trừ khả năng sự phục hồi thực sự sẽ đến vào mùa Thu tới.

Trong một số dự án quan trọng, người mua cân nhắc thương lượng lại giá cả. Như trường hợp của tập đoàn hàng hiệu LVMH (Pháp) và dự án thâu tóm hãng kim hoàn Tiffany (Mỹ) với giá 16 tỷ USD, dự kiến phải được hoàn tất vào ngày 24/8.

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng, hai nhà sản xuất ô tô PSA (Pháp) và FCA (Mỹ-Italia) vẫn chưa đánh giá tác động của đại dịch đối với hoạt động của họ và định giá tương ứng trước khi kết thúc giai đoạn sáp nhập dự kiến vào tháng 3/2021.

Tuy nhiên, theo công ty dữ liệu tài chính Refinitiv, thị trường M&A toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi sau khi giảm 41% trong nửa đầu năm 2020,xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Ông chủ của chuỗi cửa hàng 7-Eleven (Nhật Bản) vừa thông báo mua lại hệ thống trạm xăng Speedway (Mỹ) với giá 21 tỷ USD. Vào cuối tháng 7/2020, Adevinta (Na Uy) đã tiến hành mua lại trang rao vặt từ Ebay với giá 9,2 tỷ USD.

Đồng tiền rẻ với lãi suất thấp và sự gia tăng tỷ giá hối đoái có thể có lợi cho người châu Âu. Trên phương diện pháp lý, các điều khoản chặt chẽ hơn cũng có thể được đưa vào hợp đồng để phòng ngừa tác động của đại dịch.

Linh Hương

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.