Thị trường bất động sản 2024 chuyển động giữa kỳ vọng và rủi ro
Đặt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại, các chuyên gia cho rằng mức độ ở giai đoạn trước thị trường trong trạng thái dư cung và lạm phát ở mức rất cao, các chính sách điều hành chặt chẽ hơn. Còn ở hiện tại, nguồn cung dự án rất hạn chế, lạm phát được kiểm soát ổn định.
Những chính sách mới đã giúp thị trường bất động sản chặn đứng được sự đổ vỡ. Lãi suất hạ nhiệt giúp dòng vốn vay đang “rẻ” dần, vướng mắc pháp lý được tháo gỡ theo tiến độ rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản cần thêm nhiều tín hiệu mới từ hoạt động sản xuất trong nước cũng như diễn biến vĩ mô thế giới.
“Thị trường bất động sản năm nay vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Có thể kỳ vọng sang năm 2024, vấn đề nguồn vốn cho bất động sản sẽ được khơi thông”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định mới đây.
Còn theo quan điểm của Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, đến nay những chính sách điều hành của Chính phủ đang từng bước phát huy hiệu quả, điều chỉnh thị trường bất động sản về vùng ổn định.
“Bắt đầu từ tháng 4/2022, khi Quốc hội nhận định ngành địa ốc đang nguy hiểm thông qua tia lửa đầu tiên là trái phiếu doanh nghiệp thì suốt từ đó đến nay, hàng loạt Thông tư, Nghị định được ban hành đã phần nào giảm bớt những khó khăn, giúp nền kinh tế và hệ thống tài chính tiền tệ không bị sụp đổ.
Bất động sản đang trì trệ theo góc nhìn không thể tăng giá mạnh như các năm trước nhưng nền kinh tế có niềm tin phục hồi, khởi đầu mới theo quỹ đạo an toàn từ năm 2024”, chuyên gia nhận định.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản phía Bắc cho rằng bất động sản đang chuyển động giữa hai luồng quan điểm. Nếu nói bất động sản phục hồi từ cuối năm sau cũng đúng mà nói bất động sản vẫn còn trầm lắng kéo dài cũng đúng, bởi mỗi nhận định sẽ đúng ở một ngách thị trường.
Đơn cử như phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực vẫn luôn có cầu, ngay cả bây giờ chủ đầu tư vẫn bán được. Trong khi đó, phân khúc đất nền bán cho nhóm đầu tư lướt sóng vẫn còn đuối, có thể hết năm 2024 mới phục hồi.
“Các phân khúc nghỉ dưỡng ven biển (shophouse, condotel, resort) chắc còn mướt mồ hôi, không nhà đầu tư nào dám nhảy vào. Trong khi đó, những sản phẩm nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực đang có nhiều động lực để lạc quan hơn vào năm sau”, vị này nhận định.
Chia sẻ thêm, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, có một số động lực để bất động sản phục hồi trong thời gian tới như tiền trong dân vẫn còn, nhu cầu ở thật vẫn rất lớn. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư, phải chờ thêm một thời gian nữa bởi lãi suất thấp nhưng dòng tiền hạn chế. Do đó, động lực cho thị trường vẫn đến từ nhu cầu ở thật.
“Chúng tôi đang lên kế hoạch để triển khai tiếp các dự án vào năm 2024 sau một năm hoạt động cầm chừng. Mặc dù vậy, với những doanh nghiệp đang phải cơ cấu lại nợ thì vẫn rất khó khăn. Với những doanh nghiệp nợ ít, đây là giai đoạn tích lũy tài chính để đi thâu tóm dự án và họ sống khỏe”, vị này cho hay.
Còn theo ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), thị trường bất động sản đã qua giai đoạn căng thẳng nhất nhưng khó khăn trước mắt vẫn còn rất nhiều.
Thứ nhất, nền kinh tế vẫn rất khó khăn nên không có dòng tiền chảy từ một số ngành nghề khác sang bất động sản.
Thứ hai, một số luật tác động đến thị trường như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chưa được khai thông, chuẩn bị được biểu quyết thông qua.
Thứ ba, nhiều dự án chưa được tháo gỡ hoàn toàn vướng mắc pháp lý khiến nguồn cung trên thị trường gần như không có, giá vẫn rất cao và giao dịch “đứng im”. Trong khi đó, những người có nhu cầu ở thực không tiếp cận được với phân khúc nhà ở giá rẻ vì khan hiếm.
Thứ tư, việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để vay mua nhà vẫn còn khó khăn vì thu nhập của người dân bị giảm sút.
“Thị trường bất động sản sẽ còn mất một thời gian dài nữa để điều chỉnh. Hiện nay mới chỉ có một vài điểm sáng le lói nhưng chưa đủ, dự báo cuối năm nay vẫn còn trầm lắng”, ông Toản nhận định.
Các doanh nghiệp địa ốc mặc dù đã được giãn, hoãn nợ nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, như uống thuốc giảm đau, nợ vẫn còn đó và lãi vẫn phải trả. Trong khi đó, dự án không bán được và không có nguồn thu bù đắp.
Các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đều chung quan điểm muốn thị trường phục hồi dần từ năm sau thì phải giải quyết được những việc chi tiết nhất tại các nút thắt.
Trước hết là phải thúc đẩy chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, phải giải quyết được hậu quả của đợt sốt giá bất động sản vừa rồi thì thị trường mới lấy lại được động lực phục hồi bởi hiện nay còn rất nhiều nhà đầu tư “mắc kẹt” trên thị trường.