|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thế khó của Trung Quốc khi diệt hoạt động tài chính ngầm để cứu nền kinh tế

16:57 | 24/03/2019
Chia sẻ
Việc chính phủ loại bỏ nợ và các khoản vay rủi ro cũng hủy diệt các kênh cho vay hợp pháp đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Một trong những chủ đề chính của kỳ họp Lưỡng Hội năm nay (gồm kỳ họp của cơ quan lập pháp của Trung Quốc và các cơ quan cố vấn chính trị) là đổi mới phương thức hỗ trợ cho khu vực tư nhân, được xem như là điểm cốt lõi trong hi vọng của chính phủ nhằm kéo nền kinh tế thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện tại.

Chính phủ giảm biện pháp đòn bẩy tài chính để trấn áp hoạt động tài chính ngầm

Nhưng khu vực tư nhân, đóng góp hơn 60% trong tăng trưởng GDP và tạo ra 90% việc làm mới lại chịu thiệt hại trong những năm gần đây kể từ chiến dịch bỏ các biện pháp đòn bẩy tài chính nhằm giảm các khoản nợ lớn và những khoản vay rủi ro.

Mục tiêu của chiến dịch là trấn áp các hoạt động tài chính ngầm – gồm cho vay và các hoạt động tài chính khác của các định chế không chịu sự kiểm soát bởi các quy định của nhà nước như các công ty quản lý tài sản ủy thác, quỹ đầu cơ hay công ty môi giới, hoặc những hoạt động không nằm trong bảng cân đối của các định chế ngân hàng truyền thống. Nhà chức trách tin rằng chúng sẽ gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định của toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Thế khó của Trung Quốc khi diệt hoạt động tài chính ngầm để cứu nền kinh tế - Ảnh 1.

Không có đủ nguồn tài chính cho hoạt động hay trả nợ, nhiều công ty Trung Quốc phải tạm dừng đầu tư và tuyển dụng, góp phần khiến nền kinh tế vốn đã giảm tốc từ trước cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ trở nên suy thoái. Ảnh: Japan Times

Giới chức có lý do để lo lắng khi mà nợ quốc gia của Trung Quốc đã tăng lên mức gần bằng 300% GDP vào cuối năm 2017, mức độ nguy hiểm đối với bất kỳ quốc gia nào nhưng đặc biệt nguy hiểm với một quốc gia đang phát triển như Trung Quốc.

Nhưng nhiều người nhận thấy chiến dịch giảm hỗ trợ tài chính có lẽ đã đi quá xa, vô tình loại bỏ luôn các kênh huy động vốn hợp pháp, đồng thời làm tăng các hoạt động đầu cơ có nguy cơ rủi ro cao.

"Có lẽ vẫn còn những chỗ chưa đạt được thỏa thuận cần phải được xem xét lại, nhưng nhiều cổ đông lớn của các công ty đã niêm yết đã mất trắng. Đây chính là hậu quả của chính sách này," theo ông Chen Yuyu, một giáo sư kinh tế tại trường Quản lý Guanghua, Đại học Bắc Kinh, đề cập đến việc các chủ doanh nghiệp phải chật vật tìm nguốn vốn sau khi các kênh huy động vốn không chính thống như ngân hàng ngầm bị loại bỏ.

Kết cục tai hại

Hậu quả nghiêm trọng của chiến dịch hãm đòn bẩy tài chính là giảm đột ngột hoạt động cho vay đối với hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân vừa và nhỏ, vốn phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động tín dụng ngầm.

Các ngân hàng nhà nước lớn chủ yếu cho các công ty quốc doanh vay. Việc cho các công ty tư nhân vay thường đi kèm với rủi ro tín dụng cao hơn do chính quyền trung ương và địa phương không thể hiện sự ủng hộ đối với doanh nghiệp tư nhân.

Vì thế, các doanh nghiệp nhỏ buộc phải nhờ cậy các hoạt động tài chính ngầm, những định chế mà lãi suất cho vay không chịu sự ràng buộc của pháp luật và cũng sẵn sàng chấp nhận nguy cơ rủi ro tín dụng cao.

Hoạt động tín dụng ngầm góp phần vào sự tăng trưởng của khu vực tư nhân của Trung Quốc, nhưng sự kiểm soát chặt chẽ từ năm 2016 đã trực tiếp làm giảm tín dụng đối với các công ty nhỏ hơn và đối với những công ty có thể tiếp cận nguồn vốn, chi phí tín dụng cũng tăng lên rõ rệt. Không có đủ nguồn tài chính cho hoạt động hay trả nợ, nhiều công ty phải tạm dừng đầu tư và tuyển dụng, góp phần khiến nền kinh tế vốn đã giảm tốc từ trước cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ trở nên suy thoái.

Không ai có con số cụ thể về mức độ đóng góp của hoạt động tài chính ngầm đối với nhu cầu vốn của các công ty vừa và nhỏ tại Trung Quốc hay quy mô thị trường tài chính ngầm của Trung Quốc, nhưng các nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Kinh tế Mỹ ước tính khoảng 80% công ty tư nhân tại Trung Quốc nhận vốn từ các kênh không chính thống.

Mức độ hỗ trợ tài chính đã giảm đáng kể và hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã ước tính tổng tài sản của các tổ chức tài chính ngầm đã giảm xuống mức 60% GDP danh nghĩa so với mức 70% năm 2017 do các biện pháp giảm đòn bẩy.

Thực trạng này khiến nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc giảm từ mức 134% GDP vào năm 2017 xuống mức 128% GDP vào năm 2018, theo số liệu ước tính của ngân hàng Natixis ở Pháp.

"Phần lớn mức giảm đến từ nỗ lực của các công ty tư nhân nhằm giảm tài sản, do hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là kể từ khi hệ thống cho vay vốn ngầm bị kiểm soát chặt chẽ," bà Alicia Garcia Herrero, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis, nhận xét.


Minh Ngọc