Thâu tóm Sabeco, ThaiBev 'leo lên lưng cọp'
Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, ThaiBev vừa thực hiện tăng vốn tại Công ty TNHH Vietnam Beverage từ 682 tỉ đồng lên 111.890 tỉ đồng, qua đó công ty Thái đạt tỉ lệ sở hữu gián tiếp 99,39% thông qua BeerCo (công ty con 100% vốn của ThaiBev).
Vietnam Beverage là đơn vị đang sở hữu 53,59% vốn điều lệ tại CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); như vậy, sau khi tăng vốn tại Vietnam Beverage, ThaiBev chính thức biến công ty nắm thị phần bia số một Việt Nam thành công ty ngoại.
Đầu tháng 12/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) chấp thuận cho Sabeco nới tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 100%, đây chính là cơ sở để ThaiBev thực hiện tái cơ cấu khoản nợ mà Vietnam Beverage vay BeerCo hơn một năm trước nhằm mua cổ phần.
ThaiBev vay 5 tỉ USD từ 7 ngân hàng đầu tư vào Sabeco
Theo thông tin chúng tôi thu thập được, để có nguồn tiền gần 110.000 tỉ đồng mua cổ phần Sabeco vào tháng 12/2017, Vietnam Beverage ký với BeerCo (công ty sở hữu 49% vốn điều lệ Vietnam Beverage thời điểm đó) một thỏa thuận vay tiền, và sẽ được hoàn trả sau 12 tháng. Khoản vay được đảm bảo chính bằng cổ phiếu Sabeco. Chính khoản vay này khiến cho nợ nước ngoài của Việt Năm năm 2017 tăng gần 5 tỉ USD, và sau khi tái cơ cấu nợ thành vốn, nợ nước ngoài của Việt Nam lại giảm đi con số tương tự.
Phía BeerCo, để có được số tiền nói trên, công ty cùng với công ty mẹ ThaiBev huy động nguồn tiền từ 7 ngân hàng khác nhau ở cả trong và ngoài Thái Lan.
6 khoản vay giá trị 5 tỉ USD của ThaiBev cuối năm 2017 |
Cụ thể, riêng ThaiBev thực hiện 5 khoản vay, mỗi khoản 20 tỉ Baht (tương đương 0,61 tỉ USD). Năm ngân hàng cho vay gồm Bangkok Bank Public Company Limited, Bank of Ayudhya Public Company Limited, Kasikornbank Public Company Limited, Krung Thai Bank Public Company Limited và Siam Commercial Bank Public Company Limited.
ThaiBev lại bảo lãnh cho BeerCo nhằm thực hiện khoản vay giá trị 1,95 tỉ USD từ Mizuho Bank và Standard Chartered Bank chi nhánh Singapore. Tổng giá trị các khoản vay tròn 5 tỉ USD.
Xin lưu ý là tất cả các khoản vay đều có kỳ hạn hai năm.
ThaiBev cơ cấu lại nợ bằng gần 4 tỉ USD trái khoán
Cuối năm 2017, song song với việc vay vốn tại các ngân hàng, ThaiBev tăng vốn cho hai công ty là International Beverage Holdings Limited (IBHL) và BeerCo. Đây chính là hai doanh nghiệp thuộc nhánh sở hữu Sabeco, trong đó IBHL là công ty con do ThaiBev sở hữu 100%, còn BeerCo là công ty con do IBHL sở hữu 100%.
Cụ thể, IBHL tăng vốn từ 21,31 tỉ đô la Hong Kong (HKD) lên 44,88 tỉ HKD, tương đương khoảng 5,83 tỉ USD; còn BeerCo tăng vốn từ 754 triệu USD lên 3,03 tỉ USD.
Dòng tiền được lưu chuyển như sau: ThaiBev tài trợ vốn cho IBHL từ hoạt động kinh doanh chính và các khoản vay ngân hàng; IBHL dùng số tiền đó tài trợ BeerCo; BeerCo lại dùng tiền rót vào Vietnam Beverage - pháp nhân tại Việt Nam do BeerCo sở hữu 49%.
Đến cuối tháng 9/2018, ThaiBev tiếp tục tăng vốn thêm tại IBHL lên 7,72 tỉ USD; tăng vốn tại BeerCo lên 4,89 tỉ USD.
Nhằm tái cơ cấu các khoản vay, ThaiBev phát hành một công cụ nợ gọi là trái khoán (debenture). Nhiệm vụ của trái khoán là chuyển các khoản vay kỳ hạn ngắn, phân bổ thành các khoản vay dài hạn hơn từ 2 đến 10 năm.
Tháng 3/2018, ThaiBev phát hành 50 tỉ Baht trái khoán, tương đương 1,55 tỉ USD. Đến tháng 9/2018, công ty Thái tiếp tục phát hành thêm 77 tỉ Baht trái khoán, tương đương 2,39 tỉ USD. Tổng giá trị trái khoán đạt gần 4 tỉ USD.
Kỳ hạn trái khoán của ThaiBev (Nguồn: ThaiBev) |
Trái khoán (Debenture) là một công cụ nợ không được bảo đảm bằng các tài sản hữu hình hoặc kí quỹ mà chỉ được đảm bảo bằng mức độ tin cậy về khả năng trả nợ hay là uy tín của chính công ty phát hành trái khoán. Cả chính phủ và các doanh nghiệp đều thường xuyên phát hành loại trái khoán này để huy động vốn. |
Nợ trả lãi của ThaiBev tăng gần 5,7 lần lên 7,2 tỉ USD
Báo cáo tài sản của ThaiBev thời điểm kết thúc năm tài chính 2018 (30/9/2018) |
Kết thúc năm tài chính 2018 (30/9/2018), tổng tài sản của ThaiBev tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái do sáp nhập cùng Sabeco, đạt 401,4 tỉ Baht (12,44 tỉ USD).
Tổng nợ phải trả tăng 4,2 lần lên gần 261 tỉ Baht (hơn 8 tỉ USD). Trong đó tổng giá trị nợ phải trả lãi lên tới 231,3 tỉ Baht, tương đương 7,17 tỉ USD; trong khoản mục nợ phải trả lãi, giá trị trái khoán là gần 127 tỉ Baht (3,94 tỉ USD) và nợ các tổ chức tài chính 90 tỉ Baht (2,79 tỉ USD).
Cơ cấu nợ phải trả lãi của ThaiBev (Nguồn ThaiBev) |
Cơ cấu nợ theo thời gian, gần 86 tỉ Baht (2,66 tỉ USD) có kỳ hạn từ một đến hai năm, chiếm 37%; 131 tỉ Baht (hơn 4 tỉ USD) có kỳ hạn trên 2 năm.
Hệ số nợ và vòng quay tài sản của ThaiBev (30/9/2018) |
Cùng với nợ, các hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của ThaiBev cũng tăng mạnh sau khi thâu tóm lại Sabeco.
Khó khăn liên tục bủa vây, cải cách tại Sabeco không thể vội vã
Dàn lãnh đạo nhóm ThaiBev tại Sabeco (Ảnh: Tiến Vũ) |
Với tham vọng thâu tóm công ty sản xuất bia nắm hơn 40% thị phần tại Việt Nam, các nhà phân tích cho rằng ThaiBev đã phải trả mức giá cao hơn nhiều so với giá trị thực của cổ phiếu Sabeco để nắm quyền chi phối.
Tháng 12/2017, ThaiBev mua Sabeco với mức 320.000 đồng/cp, nhưng hiện tại giá cổ phiếu này chỉ dao động quanh 245.000 đồng, tức giảm 24%. Khoản đầu tư gần 5 tỉ USD của ThaiBev "bốc hơi" xấp xỉ 1 tỉ USD do biến động trên thị trường chứng khoán.
Nhưng có lẽ với ông chủ Thái, việc cổ phiếu giảm ở Việt Nam không phải là vấn đề gì quá to tát, ThaiBev có kế hoạch tăng doanh thu của Sabeco lên gấp đôi trong vòng hai năm tới, từ đó lấy lợi nhuận hoạt động trả nợ các khoản vay.
Nhưng hành trình của ThaiBev tại Sabeco đến thời điểm hiện tại không hề dễ dàng, mất hơn 8 tháng để công ty Thái có thể đưa người vào Hội đồng quản trị Sabeco, nắm giữ các vị trí chủ chốt trong công ty. Theo quy định tại Việt Nam, cổ đông nắm giữ cổ phiếu từ 6 tháng trở lên mới quyền ứng cử thành viên vào HĐQT công ty.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), quy định 6 tháng nói trên cần phải được sửa đổi vì có thể gây hạn chế trong việc thoái vốn Nhà nước, làm giảm tính hấp dẫn, cũng như mâu thuẫn giữa các cổ đông trong công ty thời điểm trước chuyển giao chính thức.
SCIC đã linh động phương án tổ chức đại hội đồng cổ đông sớm tại Vinaconex (ngày 11/1 này) nhằm đưa nhóm cổ đông mới vào nắm quyền.
Mới đây, Sabeco tiếp tục vướng phải vụ lùm xùm với Cục thuế TP HCM và bị cưỡng chế số tiền lên tới 3.140 tỉ đồng. Đây là số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định trong quá trình thanh tra từ năm 2010 đến 2014 cả Sabeco và tiền phạt vi phạm hành chính về thuế của công ty này. Trong đó, số chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2007 đến 2015 là hơn 2.645 tỉ đồng và tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 494 tỉ đồng.
Sabeco sau đó có những hành động phản đối quyết liệt, cho rằng hành vi cưỡng chế của Cục thuế TP HCM là vi phạm pháp luật. Cuối cùng phải nhờ đến Thủ tướng vào cuộc, việc cưỡng chế nói trên được "tạm dừng".
Quay lại trường hợp của ThaiBev mới thấy việc một doanh nghiệp ngoại thâu tóm một ông lớn tại Việt Nam, quản trị vận hành sao cho tốt không phải là việc dễ dàng. Chưa kể đến việc họ sẽ kinh doanh ra sao, đầu tư thế nào, riêng những vướng mắc về pháp lý vẫn đang liên tục bủa vây và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
ThaiBev đã cược lớn khi vay 5 tỉ USD đầu tư vào Sabeco, như đã nói ở trên số nợ phải trả lãi của doanh nghiệp tăng vọt gần 5,7 lần lên 7,2 tỉ USD khiến cho áp lực tài chính tiếp tục đè nặng. Trong khi đó công cuộc tái cơ cấu vẫn chưa được thực hiện là bao.
9 tháng đầu năm 2018, Sabeco đạt doanh thu thuần 25.543 tỉ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ 2017; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 6% xuống còn 3.312 tỉ đồng.
Ông Neo Gim Siong Bennett - Tổng giám đốc Sabeco |
Trong khi đó ThaiBev đạt doanh thu trong năm tài chính 2018 gần 163.000 tỉ đồng, tăng trưởng 21% sau hợp nhất kết quả kinh doanh với Sabeco; tuy nhiên lợi nhuận thuần chỉ đạt 14.673 tỉ đồng, giảm hơn 40%. Chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay tăng 5 lần lên gần 3.600 tỉ đồng.
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư tháng 10/2018, Tổng giám đốc Sabeco - Neo Gim Siong Bennett cho biết sẽ cải cách để công ty có thể đầu tư nhanh hơn và giảm chi phí hoạt động nhằm tăng hiệu quả so với thời được điều hành bởi Nhà nước.
Tuy vậy, ông Neo cũng đã lường trước được những khó khăn sẽ gặp phải, ông cho rằng cải cách tại Sabeco sẽ không thể tiến hành vội vã. "Cải cách Sabeco sẽ như một bài hát rock, những sẽ là một bài hát hậm rãi. Việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp tại Sabeco sẽ không thể tiến hành được qua chỉ một đêm".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/