Tháng 7/2024 sẽ có thông tư hướng dẫn việc ngân hàng chia sẻ dữ liệu người dùng
Tại Hội thảo “Ngân hàng Mở: Open Banking 2023” ngày 7/12, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN đã tiết lộ thời điểm khung pháp lý cho ngân hàng mở (Open Banking) được thông qua.
Theo định nghĩa của Liên minh Châu Âu, Open Banking cho phép các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán được truy cập thông tin dữ liệu ngân hàng của khách hàng thông qua các giao diện chương trình ứng dụng mở (Open API) được bảo mật.
"Chúng tôi đang chờ Chính phủ ký nghị định thay thế cho Nghị định 101. Khi nghị định mới được Chính phủ ký, một loạt thông tư sẽ phải được ban hành. Trong đó, có thông tư hướng dẫn về Open API", ông Tuấn nói.
Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của người dùng, trung gian thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ này.
"Chúng tôi rất kỳ vọng trong tháng 12/2023, hoặc muộn nhất là đầu năm 2024 nghị định sẽ được ký. Các thông tư sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của tất cả mọi người, trong đó có cả cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng", ông cho biết thêm.
Sau đó, "NHNN sẽ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện để có thể ban hành các thông tư hướng dẫn. Thông tư này dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2024", Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho hay.
Về vấn đề xây dựng tiêu chuẩn để chia sẻ dữ liệu người dùng, ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, NHNN cho biết đã có bản dự thảo gửi đi để lấy ý kiến các tổ chức tín dụng lần 1.
Theo ông, bất kể hoạt động nào có sự tham gia, tương tác nhiều bên đều cần đến quy ước nào đó. Việc đưa ra một tiêu chuẩn chung để các bên cùng kết nối, tiết kiệm chi phí là một quy luật khách quan. “Trong bộ tiêu chuẩn mà chúng tôi đang xây dựng, có tiêu chuẩn về kiến trúc, dữ liệu, an toàn bảo mật an ninh”, ông nói.
“Mức độ chi tiết đến đâu vẫn đang được nghiên cứu. Bởi lẽ nếu quá chi tiết thì rõ ràng sự sáng tạo của thị trường sẽ bị cản trở. Tuy nhiên, nếu quá chung chung, sẽ tồn tại hiện tượng không đồng nhất giữa các bên", ông Hải nêu vấn đề.
"Có nhiều quan điểm, một số cho rằng chỉ nên ban hành ở mức cao, trong khi số khác cho rằng phải đi vào chi tiết. Với Việt Nam, tôi nghĩ rằng chúng ta nên ban hành tiêu chuẩn ở mức cao, sau đó sẽ chi tiết dần. Nếu đi vào chi tiết ngay, các ngân hàng sẽ không có đủ thời gian để tuân thủ”, ông Hải giải thích.
Triển khai một trung tâm dữ liệu chung?
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết ngành ngân hàng đã manh nha triển khai Open API và ngân hàng mở. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển Open API đang diễn ra một cách cục bộ, ở từng ngân hàng chứ chưa có chuẩn chung.
“Thay vì vài chục ngân hàng có hàng chục Open API, khiến các fintech (doanh nghiệp công nghệ tài chính) phải truy cập vào tất cả Open API đó trao đổi dữ liệu thì chúng ta có cần 1 hub (trung tâm) về API, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ cần truy cập vào 1 chỗ mà kết nối dữ liệu với cả hệ thống ngân hàng?”, Phó Thống đốc đặt câu hỏi…
Về vấn đề trên, ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, cho biết mỗi quốc gia khi triển khai lại tiếp cận theo một hướng khác nhau. Hàn Quốc đã sử dụng một “hub” và giúp chi phí giảm đi rất nhiều.
Khi tổ chức “hub” công bằng, các tổ chức tham gia sẽ cùng được hưởng lợi. Nếu không có hub có thể xảy ra sự cạnh tranh không công bằng, các tổ chức nhỏ hơn, yếu hơn về mặt tài chính có thể bị thiệt thòi khi không thể tiếp cận dữ liệu của đối thủ, ông Hải giải thích.
"Khi có một hub như vậy, cơ quan quản lý nhà nước cũng không cần ban hành tiêu chuẩn chi tiết. Cơ quan quản lý chỉ cần ban hành thông tư ở mức cao, còn về chi tiết nên để ‘hub’ tự nghiên cứu”, ông đề xuất.
Cụ thể, trong quá trình vận hành, trung tâm dữ liệu sẽ làm việc, kết nối với các bên, có những cải tiến và thỏa thuận với hệ sinh thái của mình, thì khi đó tiêu chuẩn chi tiết do hub đề ra sẽ thuận lợi hơn. Bởi họ là người dựng lên hạ tầng và nói chuyện với các bên liên quan, nên sẽ thấu hiểu hơn so với cơ quan Nhà nước.
“Để duy trì một tiêu chuẩn bền vững, lâu dài cần có con người. Tiêu chuẩn không thể chỉ ban hành ra và để đấy, mà phải liên tục cải tiến theo thị trường”, ông Hải nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/