|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Tham nhũng vặt' gây phiền hà cho doanh nghiệp vẫn còn tồn tại

15:24 | 26/10/2020
Chia sẻ
Trong nội dung đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện.

Sáng 26/10, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Tổng Thanh tra Chính phủ: 'Tham nhũng vặt' gây phiền hà cho doanh nghiệp vẫn còn tồn tại - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. (Ảnh: Quốc hội).

Đã thụ lí điều tra 531 vụ án về tham nhũng

Về kết quả phát hiện, xử lí tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết các cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lí điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong đó, khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kì năm 2019). 

Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp thụ lí giải quyết 350 vụ/962 bị can; đã giải quyết 246 vụ/692 bị can, đạt 75,4%. 

Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lí theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 269 vụ, 645 bị cáo phạm các tội tham nhũng.

Về thi hành án hình sự trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đã thi hành xong 3.605 việc (đạt tỉ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành), tăng 9,42% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền thu được là 15.017,9 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 43,42% số có khả năng thi hành (tăng 14,01%) so với cùng kì năm 2019.

Tham nhũng diễn biến phức tạp, tinh vi hơn và khó phát hiện

Trong nội dung đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết nhìn chung, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện; vụ, việc tham nhũng được phát hiện, xử lí chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hiện nay.

Dự báo tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi “tham nhũng vặt” ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương. Quản lí và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng - ngân hàng, quản lí sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công tiếp tục là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc với mức độ tinh vi hơn.

Để công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa, năm 2021, Chính phủ lưu ý cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, bảo đảm “không thể tham nhũng”. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng…

Tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật

Sau báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo Thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Trong báo cáo, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với những dự báo của Chính phủ về tình hình tham nhũng "vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện".

Tổng Thanh tra Chính phủ: 'Tham nhũng vặt' gây phiền hà cho doanh nghiệp vẫn còn tồn tại - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. (Ảnh: Quốc hội).

Báo cáo thẩm tra cũng cho biết số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng. Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới vẫn là khâu yếu tồn tại qua nhiều năm.

Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu, một số vụ việc phải tạm đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra chưa có kết quả giám định, định giá tài sản; còn có vụ án phải đình chỉ do không chứng minh được tội phạm.

"Vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Theo cơ quan thẩm tra, đây là những vấn đề cần được Chính phủ, VKSND Tối cao, TAND Tối cao đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục.

Anh Đào

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.