Tăng tốc tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp
Năm 2024, với mục tiêu được giao ngay từ đầu năm, số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) trong năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, khó khăn tiếp tục bủa vây khiến nhiều doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. Với thực tế này đặt ra yêu cầu tăng tốc hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp một cách thực chất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tháng 2/2024 có 8.590 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 67.260 tỷ đồng, giảm 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 2,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù giảm trong tháng 2/2024 song tính chung cả 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn hơn 22.120 doanh nghiệp, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Giảm về số doanh nghiệp nhưng vốn đăng ký thành lập trong 2 tháng đạt khá cao với 218.710 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ. Cùng với hơn 300.000 tỷ đồng đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 2 tháng năm 2024 đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số 17 ngành kinh tế, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, có 12 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng; bao gồm khai khoáng (28,8%), vận tải kho bãi (26,5%), hoạt động dịch vụ khác (21,5%), bán buôn – bán lẻ - sửa chữa ô tô, xe máy (20,2%)… Các ngành còn lại ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập giảm; trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh nhất với mức giảm 8,7%.
Các doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0-10 tỷ đồng) với 20.300 doanh nghiệp, chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ (16.630 doanh nghiệp), công nghiệp (5.260 doanh nghiệp). Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận số doanh nghiệp ít nhất với 236 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới.
Về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tháng 2/2024 có 5.340 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 2 tháng, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 18.970 doanh nghiệp, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, bối cảnh thực tế, kinh tế trong nước đang phải đối mặt với những bất ổn khó lường ở bên ngoài, nhiều khó khăn ở bên trong chưa giải quyết dứt điểm đang khiến mục tiêu này trở nên thách thức hơn.
Thông thường, tháng 1 hàng năm là thời gian mà số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng so với các tháng còn lại trong năm do doanh nghiệp thường lựa chọn thời gian tạm ngừng vào thời điểm đầu năm tài chính.
Trong tháng 1/2024 có 53.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 81,5%).
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, xu hướng này tiếp tục diễn ra trong tháng 2/2024 với hơn 8.800 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh (tăng 15,8% so với cùng kỳ); trong đó, 5.140 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2023; 2.150 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (giảm 18,3%) và 1.500 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại (tăng 29%).
Với đà tăng trong tháng 2/2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong cả 2 tháng tăng 22,5% so với cùng kỳ (62.980 doanh nghiệp), trong đó số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 49.270 doanh nghiệp (tăng 27,1% so với cùng kỳ), doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 10.030 doanh nghiệp (tăng 6,5%) và doanh nghiệp giải thể là 3.670 doanh nghiệp (tăng 14,5%).
Theo số liệu, phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là những doanh nghiệp có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm); quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng). Đây là nhóm doanh nghiệp dễ chịu ảnh hưởng, tác động tiêu cực từ dịch bệnh, cũng như khó khăn của năm 2023 và cũng là nhóm doanh nghiệp thuộc diện “dễ đóng, dễ mở”.
Song cũng có thể thấy rõ tỷ lệ khá cao những doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 5 năm đã phải tạm dừng hoạt động. Nguyên nhân là do thiếu vốn, thiếu đơn hàng, chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao… Cũng có cả những doanh nghiệp gặp vấn đề nhân sự, chiến lược kinh doanh, nên lựa chọn việc tạm ngừng hoạt động trong ngắn hạn để chờ đợi và tìm hướng đi, đối tác phù hợp.
Năm 2024, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nhiều dự báo cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Với kinh nghiệm hàng chục năm gắn bó với hoạt động doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM cho biết, hơn lúc nào hết, hoạt động cải cách môi trường kinh doanh cần được tăng tốc và thực thi thực chất để củng cố niềm tin và tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều đáng ngại là từ năm ngoái đến nay, gần như chưa có hành động thực sự đủ mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp. “Doanh nghiệp khó không chỉ về nguồn hàng, đơn hàng mà nhiều vướng mắc của doanh nghiệp năm 2023 đến nay không có gì tiến triển…”, bà Thảo cho hay.
Bà Thảo cho biết, điều đáng mừng là năm nay, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết với nhiều giải pháp cụ thể được các doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng, coi đó là điểm tựa niềm tin để triển khai các kế hoạch phục hồi và tìm kiếm cơ hội phát triển. Đây cũng là cơ sở tạo động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân tăng trở lại.
Trong nỗ lực thúc đẩy đầu tư tư nhân, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề xuất thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương, tổ chức, hiệp hội đẩy mạnh triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với các nhiệm vụ như: đẩy mạnh triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước; đẩy mạnh và đổi mới công tác truyền thông về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tới cộng đồng doanh nghiệp để thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các chính sách…
Hiện, có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được kiến nghị, bên cạnh việc kéo dài nhiều giải pháp được thực hiện từ các năm trước, đã có tác động tích cực; đó là, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau Tết Nguyên đán; nghiên cứu, xây dựng các chính sách nhằm tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Bà Lý Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Công ty TNHH SX Trường Hưng, TP HCM cho rằng, với bối cảnh kinh tế khó khăn thì doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất và công nghệ hiện đại là bước đi cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm. Chỉ khi có sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu khách hàng thì doanh nghiệp mới có thể tìm cơ hội bứt phá mạnh mẽ hơn, cũng như thể hiện cam kết đầu tư sản xuất những sản phẩm tốt nhất cho thị trường.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng xong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Tại dự thảo chương trình, Bộ đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ…