Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá phải đi đôi với chống buôn lậu thuốc lá
Tăng thuế tiêu thụ thuốc lá phải đi đôi với chống buôn lậu thuốc lá
Trong bối cảnh như hiện nay, một số chuyên gia cho rằng đối với những đề xuất làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp (chẳng hạn như đề xuất tăng thuế TTĐB đối với một số mặt hàng trong đó có thuốc lá) cần tính toán kỹ các tác động kinh tế-xã hội, lưu tâm tới cả những hệ lụy ngoài mong muốn, các đối tượng dễ bị tổn thương (công ăn việc làm, công nhân, nông dân,…)
Liên quan đến thuế TTĐB với thuốc lá, trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 6/1/2022 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cho rằng, tăng thuế vấn đề rất phức tạp, phải đánh giá tác động cẩn trọng. Bởi nếu như tăng thuế tiêu thụ thuốc lá phải đi đôi với chống buôn lậu thuốc lá. Vì nếu chỉ tăng mà không chống được buôn lậu thì sẽ phản tác dụng, dẫn đến kích thích buôn lậu thuốc lá, lúc đó lợi nhuận buôn lậu thuốc lá có khi còn cao hơn ma túy, giá thuốc lá lên quá cao sẽ đẩy buôn lậu lên.
Cuối năm 2021 và giai đoạn trước khi bước vào Tết Nguyên đán 2022, tình hình buôn lậu thuốc lá ngay lập tức diễn biến phức tạp trở lại ở nhiều điểm nóng trên suốt các tuyến biên giới, đặc biệt ở các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang...
Với đặc điểm đường biên giới dài, lại thêm nhiều đường ngang, ngõ tắt, đường mòn, lối mở nên việc kiểm soát người, phương tiện qua lại biên giới vẫn luôn là thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu nói chung và thuốc lá nói riêng. Các đầu nậu đã vận chuyển thuốc lá lậu với số lượng lớn, nhiều chủng loại, bằng nhiều phương tiện như đường bộ, đường thủy từ khu vực biên giới về Việt Nam để tiêu thụ.
Trong khi đó, khảo sát một vòng thị trường cũng cho thấy thuốc lá lậu ngày càng dễ dàng tiếp cận hơn, giá cả cạnh tranh hơn, nhất là những sản phẩm nhập lậu từ 15.000 đến 30.000/bao. Các sản phẩm này không phải đóng bất kỳ loại thuế, phí nào và có thể mua dễ dàng tại các điểm bán lẻ, các chợ đầu mối, cạnh tranh trực tiếp với thuốc lá sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu chính ngạch, vốn đang đóng góp mấy chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước hàng năm.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên tìm cách kiểm soát thuốc lá nhập lậu và các hoạt động kinh doanh bất chính đi kèm thay vì tập trung vào việc tăng thuế TTĐB. Như vậy việc tăng thuế TTĐB mới có thể phát huy tác dụng.
Các nước đang đánh thuế TTĐB ra sao?
Tại Malaysia, thị phần thuốc lá lậu đã tăng đáng kể từ năm 2016 và đã chiếm đến 64% thị trường vào năm 2020, hơn 600 triệu bao thuốc lá 20 điếu. Chỉ tính riêng năm 2018 Malaysia đã thất thu hơn 5 tỷ RM tiền thuế vì hoạt động buôn bán thuốc lá bất hợp pháp ở nước này, tương đương với gần 3% tổng số thuế thu được trong năm. Với chính sách thuế cao ngất ngưởng, Malaysia hiện là quốc gia có tỷ lệ trốn thuế thông qua thuốc lá lậu cao nhất thế giới.
New Zealand là một ví dụ khác. Quốc gia này được biết đến với chính sách quản lý buôn lậu, bao gồm cả thuốc lá, khá hiệu quả trong nhiều năm.
Một yếu tố khác hỗ trợ cho công tác chống thuốc lá lậu của New Zealand là vị trí địa lý cách xa các nước khác, không có đường biên giới tiếp giáp với các quốc gia lân cận. Nhưng khi thuế tăng lên 73.8 cent/ điếu (tốc độ tăng khoảng 22%) từ năm 2015 đến năm 2017, lượng TTL đã tăng hơn gấp đôi, số tiền thất thu thuế tăng gấp ba lần, lên tới 320 triệu NZD.
Điều đó cho thấy ngay cả khi công tác buôn lậu thuốc lá được kiểm soát tốt, việc tăng thuế, đặc biệt là tăng đột ngột vẫn có thể tiềm ẩn những nguy cơ gây thiệt hại cho nền kinh tế, tăng thất thu ngân sách, thậm chí còn tăng sản lượng tiêu thụ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Do đó, các chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh phương thức thu thuế, nếu có, nên được Quốc hội và Chính phủ thảo luận và chuẩn bị trong giai đoạn 2023 - 2025, khi tác động của dịch COVID-19 đã hạ nhiệt, doanh nghiệp đã hồi phục và sẵn sàng trở lại đường đua nhằm cạnh tranh với hàng lậu.