|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tăng thu từ hoạt động dịch vụ, ngân hàng nào đang dẫn đầu?

14:45 | 28/08/2019
Chia sẻ
Những năm gần đây, hoạt động dịch vụ liên tục là mảng kinh doanh tăng trưởng tốt của ngành ngân hàng. Một trong những động lực tăng trưởng chính của mảng dịch vụ đến từ những khoản lợi nhuận 'kếch xù' của 'mỏ vàng' bancassurance.

Bancassurance động lực tăng trưởng chính của mảng dịch vụ ngân hàng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Techcombank)

Thu từ hoạt động dịch vụ liên tục tăng trưởng qua các năm

Kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của 18 ngân hàng niêm yết đạt hơn 15.000 tỉ đồng, tăng 4.500 tỉ đồng so với cùng kì năm 2018 (tương ứng tăng trưởng 44%). Đồng thời, con số này cao hơn tổng lãi thuần từ dịch vụ trong cả năm 2016 (13.400 tỉ đồng) và gấp gần 1,5 lần năm 2015 (10.700 tỉ đồng).

Xét về giá trị, Vietcombank đang là nhà băng thu nhiều nhất từ hoạt động dịch vụ với 2.145 tỉ đồng trong nửa đầu năm. Tiếp sau là BIDV (1.968 tỉ đồng). VietinBank (1.955 tỉ đồng), MBBank (1.813 tỉ đồng) và Techcombank (1.400 tỉ đồng).

Nhóm những ngân hàng có lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ít nhất gồm Bac A Bank (54 tỉ đồng), Kienlongbank (30 tỉ đồng), VietBank (13 tỉ đồng) và NCB xếp cuối cùng với 10 tỉ đồng.

Tăng thu từ hoạt động dịch vụ, ngân hàng nào đang dẫn đầu? - Ảnh 2.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của 18 ngân hàng niêm yết trong 6 tháng đầu năm 2019. (Nguồn: PV tổng hợp)

Tính chung trong giai đoạn 2015 – 2018, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng tăng trưởng bình quân 32%/năm, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chung của tổng thu nhập hoạt động (23%).

Những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng thu nhập dịch vụ mạnh phải kể đến Bac A Bank (tăng trưởng bình quân 188%/năm), TPBank (115%/năm), SHB (95%/năm), Kienlongbank (84%/năm), NCB (84%/năm), MBBank (67%/năm), VIB (64%/năm) và Techcombank (46%/năm). 

Mặt khác, tỉ trọng đóng góp của nguồn thu này trong tổng thu nhập hoạt động cũng không ngừng gia tăng, từ mức 7,9% vào năm 2015 lên 10,6% trong 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó, hiện có nhiều ngân hàng sở hữu tỉ trọng này ở mức cao như VIB (21%), Sacombank (20%), Techcombank (15,4%), MBBank (15,6%), TPBank (12,7%).

Bancassurance động lực tăng trưởng chính của mảng dịch vụ ngân hàng - Ảnh 3.

Nguồn: PV tổng hợp

Xu hướng gia tăng tỉ trọng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ đang diễn ra rất rõ trong ngành ngân hàng tuy nhiên tốc độ tăng không đồng đều và có sự phân hóa.

Một số ngân hàng tăng có tỉ trọng thu từ dịch vụ tăng mạnh mẽ như VIB (tăng từ 5,7% trong năm 2015 lên 21% trong 6 tháng đầu năm 2019); TPBank (tăng từ 4,4% lên 12,7%);  MBBank (tăng từ 6,2% lên 15,6%),...

Trong khi tại một số nhà băng, tỉ lệ này có xu hướng đi ngang thậm chí sụt giảm. Điển hình như BIDV (giảm từ 9,5% trong năm 2015 xuống 8,7% trong 6 tháng đầu năm 2019) hay Eximbank và Vietcombank đi ngang trong khoảng 8% và 9%.

Bancassurance động lực tăng trưởng chính của mảng dịch vụ ngân hàng - Ảnh 6.

VIB, TPBank và MBBank từ những ngân hàng có tỷ trọng đóng góp của mảng hoạt động dịch vụ thấp đã vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn 2017 - 2018 (Nguồn: PV tổng hợp)

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Lưu Trung Thái - Tổng giám đốc MBBank cho biết thu phí dịch vụ năm 2018 của MBBank tăng trưởng mạnh với tốc độ hơn 120% so với cùng kì và tiếp tục tăng cao trong năm 2019 là nhờ mô hình kinh doanh phí được triển khai quyết liệt. 

Cụ thể, các mô hình kinh doanh truyền thống như dịch vụ thanh toán, tài khoản và thẻ… được củng cố. Ngân hàng cũng đầu tư phát triển các mô hình kinh doanh mới như: bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), ngân hàng số, ngân hàng đầu tư và quản lí tài sản...

Theo báo cáo thường niên của VIB, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng tăng trưởng vượt bậc trong thời gian qua là nhờ triển khai mô hình tích hợp trong phát triển hoạt động phân phối bảo hiểm đưa thị phần bảo hiểm của VIB lên top 3 toàn thị trường. 

Doanh thu phí từ bảo hiểm năm 2018 tăng 203% so với năm trước. Một sản phẩm khác cũng bắt đầu mang lại nguồn thu nhập phí đáng kể và tăng mạnh từ cuối 2018 là sản phẩm thẻ tín dụng mới.

Các khoản thu từ dịch vụ là những khoản ít bị biến động theo thay đổi nền kinh tế, rủi ro cũng thấp hơn nhiều so với tín dụng. Sự đóng góp ngày càng lớn của mảng này cho thấy thu nhập của các ngân hàng đang dịch chuyển theo hướng đa dạng và bền vững hơn. 

Đồng thời cho thấy xu hướng tối ưu hóa các kênh bán hàng, giúp ngân hàng tăng khả năng sinh lời của tài sản.

Động lực tăng trưởng của thu nhập từ dịch vụ đến từ đâu?

Hoạt động dịch vụ là một trong những mảng kinh doanh truyền thống của các ngân hàng nhưng thu nhập từ hoạt động này mới chỉ thực sự có sự chuyển biến rõ ràng trong giai đoạn 2017 – 2018, thời điểm chứng khiến một làn sóng các ngân hàng kí hợp đồng làm đại lí độc quyền cho các công ty bảo hiểm (bancassurance). 

Điển hình như thương vụ hợp tác giữa Prudential và VIB, Dai-ichi Life và Sacombank, Manulife và Techcombank, Vietinbank với Aviva, TPBank với Manulife và Ngân hàng Quốc dân với Prevoir…

Bắt đầu năm 2017, nhiều ngân hàng báo lãi đậm từ kinh doanh bancassurance như Techcombank, SHB, HDBank và VPBank...

photo-1

Với sự tăng trưởng nhanh chóng, bancassurance là một trong những nhân tố tạo ra sự khác biệt trong cơ cấu nguồn thu giữa các nhà băng. 

Theo đó, những ngân hàng sở hữu hợp đồng đại lí phân phối độc quyền cho các công ty bảo hiểm thường có tỉ trọng đóng góp của mảng dịch vụ trong tổng thu nhập ở mức cao và liên tục gia tăng như Techcombank, VIB, TPBank và MBBank.

Bancassurance động lực tăng trưởng chính của mảng dịch vụ ngân hàng - Ảnh 4.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, lãi thuần từ mảng dịch vụ của MBBank đạt 1.813 tỉ đồng, trong đó, dịch vụ bảo hiểm chiếm 75% với 1.363 tỉ đồng.

Tương tự, thu nhập từ dịch vụ kinh doanh và bảo hiểm của TPBank đạt gần 250 tỉ đồng, gấp 2 lần cùng kì 2018 và chiếm hơn 40% tổng thu nhập từ mảng dịch vụ.

Tại VIB, thu nhập từ phí bảo hiểm đạt hơn 436 tỉ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kì năm trước và chiếm tới gần 50% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ của nhà băng này.

Ở chiều ngược lại, tại những nhà băng chưa đẩy mạnh hoạt động bancassurance độc quyền, tỉ trọng đóng góp của mảng dịch vụ có xu hướng đi ngang thậm chí sụt giảm như Vietcombank, BIDV và Eximbank.

Tiềm năng của mảng liên kết với bảo hiểm của các ngân hàng vẫn còn rất lớn do các ngân hàng Việt Nam mới bắt đầu phân phối tích cực bảo hiểm trong hai năm trở lại đây. Do đó, sản phẩm bảo hiểm chưa được giới thiệu đến toàn bộ cơ sở khách hàng của các ngân hàng. 

Mới đây, Bloomberg đã đưa tin về thương vụ hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền của Vietcombank có trị giá khoảng 1 tỉ USD với khoản thanh toán lần đầu lên tới 400 triệu USD. Hai đối tác đang cạnh tranh trong thương vụ này là Tập đoàn bảo hiểm Prudential và Tập đoàn FWD.

Trong nửa đầu năm 2019, Kienlongbank cũng đã kí kết một hợp đồng bancassurance với bảo hiểm AIA. Ngoài ra, thị trường cũng đang đồn đoán về việc ACB và LienVietPostBank đang tìm kiếm đối tác phân phối bảo hiểm độc quyền.

Theo CTCP Chứng khoán VnDirect, bancassurance sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho thu nhập ngoài lãi trong những năm tiếp theo.

"Chúng tôi kì vọng phí bảo hiểm qua kênh bancassurance ở Việt Nam sẽ tăng 30-40% mỗi năm trong các năm tới và tỉ trọng của phí bảo hiểm qua kênh bancassurance sẽ tăng lên mức 23% trong năm 2019 và 26% trong năm 2020", VnDirect nhận định.

Quốc Thụy