|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nikkei: Công ty Trung Quốc cũng muốn sang Việt Nam

10:31 | 14/08/2019
Chia sẻ
Theo một thống kê của Nikkei Asian Review, 70% trong số 33 công ty niêm yết của Trung Quốc đang cân nhắc mở rộng ra nước ngoài chọn Việt Nam như một điểm đến ưu tiên.

Nhiều công ty sản xuất rục rịch rời hoặc mở rộng ra bên ngoài Trung Quốc

Các công ty Trung Quốc đang theo chân đối tác nước ngoài rời quốc gia tỉ dân để tìm kiếm những "cứ điểm" sản xuất mới trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài.

done

(Nguồn: Nikkei/ Bộ Kế hoạch và đầu tư, Việt hóa: Thái Sơn)

Kể từ tháng 6, có 33 công ty niêm yết đã thông báo với hai sàn chứng khoán Trung Quốc về kế hoạch mở rộng cơ sở sản xuất ra nước ngoài, theo dữ liệu tổng hợp bởi Nikkei Asian Review

Gần 70% trong trong số 33 công ty này chọn Việt Nam làm điểm đến ưu tiên tiếp theo, trong khi đó số còn lại đang chọn Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Serbia và Thái Lan.

Những hàng rào thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cùng với đó là chi phí nhân công và chi phí sản xuất nói chung tăng lên đang khiến các công ty Trung Quốc cũng không còn quá mặn mà với quốc gia này.

Một trong những công ty như vậy là Jinhua Chunguang, một nhà sản xuất sản phẩm cao su. 

Hôm 19/7, công ty này tuyên bố sẽ đầu tư 4,35 triệu USD để phát triển dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. Đây là quốc gia thứ ba Jinhua Chunguang mở nhà máy, sau Malaysia và Trung Quốc.

Đại diện Jinhua Chunguang cho biết kế hoạch nói trên là do "những thay đổi trong môi trường quốc tế", đồng thời là một phần kế hoạch mở rộng ra thị trường quốc tế của công ty này.

Jinhua sản xuất các ống dẫn sử dụng trong máy hút bụi. Sản phẩm nằm trong danh sách bị áp thuế quan đối với 200 tỉ USD của Trung Quốc mà ông Donald Trump công bố hồi quí II năm ngoái.

Zhejiang Henglin Chair Industry cũng đang lựa chọn Việt Nam, nơi công ty này đã thâu tóm một nhà máy trước đó thuộc về một đơn vị Đài Loan. Đợt mở rộng này nằm trong khoản đầu tư tổng 48 triệu USD để đẩy mạnh mở rộng dây chuyển sản xuất.

 "Chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất vào nửa sau năm nay", một nhân sự của công ty xác nhận với Nikkei. Henglin có một số khách hàng lớn như thương hiệu nội thất Thụy Điển Ikea và Nittori của Nhật Bản.

Không dừng lại ở đây, các đơn vị sản xuất ngành dệt may cũng quyết định tăng sản xuất tại Việt Nam mặc cho những quan ngại rằng đã có quá nhiều công ty dệt may hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á.

Tháng 12/2018, Huafu Fashion nói sẽ đần tư khoảng 362 triệu USD để xây nhà máy tại đây với nhiều lợi ích như vật liệu giá rẻ, giảm chi phí nhân công và tránh hàng rào thuế quan.

Chiến tranh thương mại không phải lí do duy nhất

https___s3-ap-northeast-1

Cảng Cát Lái, TP HCM. (Ảnh: Nikkei)

Lương danh nghĩa trung bình của Trung Quốc tăng 44% lên mức 6.193 nhân dân tệ mỗi tháng trong năm năm tính đến thời điểm năm 2017, theo dữ liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế. 

Con số này cao hơn so với mức tăng 30% của Việt Nam, 28% của Malaysia và 11% của Mexico trong cùng kì.

Thực tế, chi phí tăng cao tại Trung Quốc đã khiến nhiều công ty cân nhắc rời đi ngay cả trước khi chiến tranh thương mại bùng nổ, theo các nhà phân tích. 

Trung Quốc cũng có những chính sách "đi ra ngoài" để khuyến khích những động thái này từ năm 2001 nhưng không nhiều công ty cảm thấy sự cấm thiết nhờ dung lượng thị trường lớn và hấp dẫn tại đây.

"Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ đẩy mạnh xu hướng này trong ngắn hạn để hưởng lợi từ các quốc gia như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam", Darren Tay, một nhà phân tích rủi ro của Fitch Solutions, cho biết.

Chi phí nhân công cạnh tranh không phải điều duy nhất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài tại đây. 

"Nguồn nhân lực được đào tạo tốt, có kĩ năng, hạ tầng ổn định và nhiều thỏa thuận thương mại tự do như ASEAN Free Trade Area và EU-Vietnam FTA" cũng là một số yếu tố khác, theo Rajiv Biswas, một nhà phân tích của IHS Markit.

Chào đón một cách thận trọng

Mặc dù các quốc gia đều đón nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp này, tất cả đều tỏ ra thận trọng.

 "Các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn việc hàng hóa Trung Quốc được dán nhãn Việt Nam trước khi xuất sang Mỹ", ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhấn mạnh.

Ở nhiều quốc gia khác, chuyển đổi dây chuyển sản xuất kèm theo đầu tư cũng làm dấy lên nhiều quan ngại sau khi nhiều dự án liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường gây tranh cãi.

Hồi tháng 5, Jiangsu Xinquan Automotive Trim chia sẻ sẽ đầu tư 64,4 triệu ringgit (15 triệu USD) vào Malaysia. Khoản đầu tư này chủ yếu để phục vụ khách hàng lớn Zhejiang Geely Holding của hãng này.

 "Malaysia chào đón đầu tư từ Trung Quốc với chuyển giao công nghệ, sử dụng năng lực và nhân sự địa phương thay vì các nhân công từ Trung Quốc", một nhân sự văn phòng thương mại Malaysia nói.

Nhiều dự án thuộc Sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc bị chỉ trích khi khiến nhiều quốc gia đang phát triển ngập trong nợ nần. 

Một số công ty liên quan đến dự án ở Malaysia cũng bị chỉ trích do nhập khẩu thiết bị và nhân sự từ Trung Quốc thay vì sử dụng nguồn lực địa phương.

Dù thế, sự đa dạng từ các khoản đầu từ Trung Quốc tập trung vào nguồn lực và hạ tầng sản xuất vẫn được nhiều quốc gia đang phát triển chào đón, Biswas từ HIS nhận định.

"Nhiều quốc gia đang phát triển vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa và chính phủ có nhiều chính sách ưu tiên phát triển khu vực sản xuất để đa dạng nền kinh tế vào tạo việc làm."

Thái Sơn

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.