|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

S&P: 2021 sẽ là năm khó khăn nhất với ngành ngân hàng kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu

14:04 | 04/12/2020
Chia sẻ
S&P nhận định việc giảm dần các biện pháp kích thích trong năm 2021 sẽ cho thấy bức tranh chân thực hơn về chất lượng tài sản ngân hàng, ngay cả khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi.
6MkwUd02N3duaKYYwCykaxZkKbQV18V2HqZ.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: International Investment Bank)

Chất lượng tài sản ngân hàng sẽ được phản ánh chân thực hơn trong năm 2021

Theo CNBC, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P mới đây cảnh báo rằng các ngân hàng có thể phải đối mặt với năm khó khăn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tổ chức xếp hạng này đã đưa ra đánh giá triển vọng "tiêu cực" đối với khoảng 1/3 ngân hàng toàn cầu do tác động của dịch COVID-19 và cú sốc giá dầu hồi đầu năm.

"Trước khi COVID -19 bắt đầu tấn công, các ngân hàng đối mặt với năm mới tương đối bình tĩnh. Tuy nhiên, ngành này chuẩn bị bước sang năm 2021 với tình hình trái ngược hoàn toàn", nhà phân tích Emmanuel Volland của S&P Global Ratings cho biết.

"Đối với nhiều hệ thống ngân hàng, chúng tôi dự đoán phải đến năm 2023 hoặc lâu hơn nữa mới có thể phục hồi về mức trước COVID-19", ông Emmanuel Volland nói thêm.

Mặc dù các nhà phân tích của S&P dự báo khả năng sinh lời của các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm vào năm 2021 và sự hồi phục diễn ra chậm chạp, không chắc chắn và khác nhau tại các nước. Nhưng họ cho rằng các ngân hàng vẫn ở trong trạng thái tốt hơn so với năm 2009.

Tổ chức này nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính phủ đang mang lại lợi ích cho ngành ngân hàng trong khi thị trường vốn vẫn còn nhiều dư địa. Bên cạnh đó, bản thân các nhà băng cũng đang tích cực xử lí sự suy yếu của chất lượng tài sản.

"Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ không thể kéo dài mãi", nhà phân tích Gavin Gunning của S&P Global Ratings, nhận định. "Việc giảm dần hỗ trợ vào năm 2021 sẽ cho thấy bức tranh chân thực hơn về chất lượng tài sản ngân hàng, ngay cả khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi".

Bốn rủi ro chính đối với ngành ngân hàng 

Trong kịch bản cơ sở của S&P là tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, "bảng cân đối kế toán khả quan của các ngân hàng, sự hỗ trợ của chính phủ cho doanh nghiệp và  thị trường bán lẻ, cũng như sự linh động của cơ quan quản lí" sẽ giúp hạn chế mức suy giảm của ngành ngân hàng vào năm tới.

Kịch bản này được hỗ trợ nhờ thông tin tích cực từ các cuộc thử nghiệm vắc-xin COVID-19 của hai hãng dược Pfizer và Moderna vừa qua. Báo cáo của S&P cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng rộng rãi vào giữa năm 2021 đến triển vọng tín dụng của ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, S&P cảnh báo rằng bất kì sự thay đổi nào so với giả định này, chẳng hạn như sự phục hồi yếu hơn hoặc đình trệ hay gián đoạn kinh tế có thể dẫn đến các hành động hạ xếp hạng tín dụng hơn nữa, đặc biệt là ở những khu vực đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Một mối lo ngại khác được các nhà phân tích nhấn mạnh là khả năng nhiều chính phủ sẽ dừng hỗ trợ cho các ngân hàng và người đi vay sớm hơn dự kiến. Điều này có thể gây ra những rủi ro trong dài hạn.

"Các biện pháp hỗ trợ đã giúp cân bằng tác động của dịch COVID-19 đối với chất lượng tín dụng ngân hàng", Gunning và Volland của S&P viết trong báo cáo, đồng thời cho biết thêm rằng "những hành động đúng lúc và ý tưởng mới của chính phủ" sẽ rất quan trọng trong năm 2021 .

"Nếu chính sách kích thích tiền tệ và tài khóa bị thu hẹp quá sớm, tốc độ phục hồi kinh tế sẽ chậm hơn. Điều này có thể dẫn đến thiệt hại lớn hơn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, cuối cùng tác động đến ngành ngân hàng" các chuyên gia của S&P cho biết.

"Trong khi đó, lo ngại về sự gia tăng đòn bẩy có thể phải nhường chỗ cho tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến khoản dự phòng rủi ro cho vay của ngân hàng", báo cáo của S&P cảnh báo.

Rủi ro cuối cùng mà S&P nêu ra trong báo cáo là khả năng suy yếu thị trường bất động sản. Nếu lĩnh vực này chịu tác động mạnh hơn dự kiến sau cuộc khủng hoảng COVID-19, rủi ro vỡ nợ sẽ gia tăng và làm suy yếu chất lượng tín dụng ngân hàng.

Quốc Thụy