SHB phát hành thành công hơn 500 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên gần 17.600 tỉ đồng
Được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, SHB đã phát hành thành công hơn 500 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 17.558 tỉ đồng. Trong đó, từ ngày 17/2/2020 đến ngày 27/04/2020, SHB chào bán thành công gần 300,8 triệu cổ phiếu và trong quí I, SHB đã phát hành hơn 251 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức với tỉ lệ 20,9% của hai năm 2017 và 2018.
Việc tăng vốn điều lệ này nằm trong kế hoạch phát triển của SHB và đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên SHB năm 2019.
SHB cũng cho biết, cổ tức chưa chia năm 2019 được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông với tỉ lệ 11% sẽ được chia muộn nhất vào quí III/2020 theo đúng các qui định của Ngân hàng Nhà nước.
Hiện tại, việc tăng vốn điều lệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với SHB; qua đó sẽ giúp ngân hàng này tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị, nâng cao khả năng cạnh tranh của SHB trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ…. Đồng thời, việc tăng vốn là cơ sở để ngân hàng hoàn tất đầy đủ toàn bộ các trụ cột của Basel II.
Bên cạnh đã hoàn thành trụ cột thứ nhất của Basel II đáp ứng đầy đủ qui định tại Thông tư 41 - NHNN, với việc tăng vốn điều lệ hơn 5.000 tỉ đồng, SHB đã cơ bản hoàn tất trụ cột II và tiến tới hoàn tất đầy đủ toàn bộ ba trụ cột của Basel II.
Với việc tuân thủ đầy đủ 3 trụ cột của Basel II, SHB sẽ tiếp tục phát triển và sử dụng phương pháp nâng cao trong việc tính vốn, đảm bảo tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao tính minh bạch của ngân hàng, dần hướng tới áp dụng Basel III trong tầm nhìn dài hạn về quản trị rủi ro của ngân hàng, …
Theo các chuyên gia, việc thực hiện Basel II là bước đi chiến lược đối với ngân hàng, giúp hệ thống ngân hàng khỏe mạnh và ổn định; đòi hỏi ngân hàng cần đầu tư nguồn lực về chất lượng dữ liệu, nguồn nhân lực song sẽ đạt được rất nhiều lợi ích. Những ngân hàng thực hiện Basel II đồng nghĩa với việc uy tín của ngân hàng tăng lên, xếp hạng tín nhiệm toàn cầu tốt hơn, có cơ hội tiếp cận nguồn vốn dồi dào hơn và chi phí rẻ hơn.
Trên hành trình xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động ngày càng lành mạnh và bền vững hơn, việc các ngân hàng đáp ứng được đầy đủ các qui định đưa ra trong Thông tư 41 và Thông tư 13 của NHNN là vô cùng quan trọng. Nếu đáp ứng và triển khai tốt được các qui định trong hai thông tư trên cũng có nghĩa là các ngân hàng sẽ hoàn thành việc triển khai 3 trụ cột của Basel II.
Mặt khác, vừa qua, SHB đã lên kế hoạch thoái vốn tại công ty tài chính tiêu dùng SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài.
SHB cho biết, việc thoái vốn cũng sẽ đảm bảo đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho SHB nâng cao năng lực tài chính. Theo đó, mức đệm vốn được tăng cường là nền tảng vững chắc để ngân hàng tiếp tục mở rộng qui mô kinh doanh trên cơ sở duy trì các tỷ lệ an toàn, đặc biệt là tỉ lệ an toàn vốn theo qui định tại Thông tư 41, đồng thời hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.