|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sếp McKinsey Global: Việt Nam đang trở thành nhà cung cấp lớn cho Mỹ

10:00 | 15/02/2024
Chia sẻ
Hiện Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn hơn cho Mỹ khi lượng hàng xuất khẩu tăng thêm 10% trong 6 năm, chuyên gia McKinsey Global nói.

Báo cáo Địa chính trị và hình học thương mại toàn cầu của Viện Toàn cầu McKinsey (MGI) công bố gần đây chỉ ra cấu trúc thương mại thế giới đã và đang thay đổi. Người phụ trách chính báo cáo, ông Jeongmin Seong, Giám đốc hợp danh Viện toàn cầu McKinsey đặt tại Thượng Hải, trả lời VnExpresss về cơ hội lớn của Việt Nam trong sự đổi thay này.

Ông Jeongmin Seong, Giám đốc hợp danh Viện McKingsey tại Thượng Hải. Ảnh: MGI

- Ông đánh giá mô hình thương mại toàn cầu đang biến đổi như thế nào?

- Có rất nhiều thảo luận xung quanh vấn đề trên. Nhưng với MGI, điều quan tâm là mức độ chuyển biến của các mô hình thương mại toàn cầu.

Hiện cái mà chúng tôi gọi là hình học thương mại toàn cầu (đề cập đến cách thức các quốc gia và khu vực được kết nối thông qua mạng lưới thương mại) có xu hướng thay đổi chậm nhưng đã có một số diễn biến đáng chú ý gần đây. Ví dụ, thương mại của Việt Nam với cả Trung Quốc, Mỹ tăng mạnh.

Chúng tôi phân tích sự thay đổi về hình học thương mại hàng hóa toàn cầu bằng bốn phương pháp - tất nhiên mỗi cái đều có những hạn chế riêng, gồm: cường độ thương mại, khoảng cách địa lý, tập trung nhập khẩu và một phương pháp mới về "khoảng cách địa chính trị".

Phương pháp mới là cách tiếp cận không hoàn hảo về mối quan hệ giữa sự liên kết địa chính trị và thương mại, được xây dựng dựa trên hồ sơ bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Từ 2017, Trung Quốc, Đức, Anh và Mỹ đã giảm khoảng cách địa chính trị trong thương mại từ 4-10%. Mỹ cũng đã giảm khoảng cách địa lý và đa dạng hóa nguồn gốc thương mại. Trong khi đó, các nền kinh tế thuộc ASEAN, Brazil và Ấn Độ đang tăng cường thương mại cả về mặt địa chính trị và trên phạm vi xa hơn về địa lý.

- Việt Nam đứng ở đâu trong sự tái cấu trúc toàn cầu này?

- Hãy bắt đầu với cường độ thương mại. Cường độ thương mại hàng hóa của Việt Nam chiếm khoảng 180% GDP, một trong những mức cao nhất trên thế giới - tăng từ 100% vào 2010.

Con số này cao hơn 70-100 điểm % so với Hàn Quốc, Đức và các nền kinh tế ASEAN khác. Điều này cho thấy sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu xuyên biên giới ngày càng sâu sắc.

Một dấu hiệu khác cho thấy Việt Nam đang tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu là khoảng cách địa lý trong giao thương đang tăng lên. Đáng chú ý nhất là Việt Nam đang trở thành nhà cung cấp lớn hơn cho Mỹ. Năm 2017, 20% hàng xuất khẩu của Việt Nam đến Mỹ nhưng con số này đã tăng lên 30% vào 2022. Mỹ hiện là thị trường chính cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Khoảng cách địa chính trị trong thương mại của Việt Nam không thay đổi nhiều - thực tế ít biến đổi hơn so với một số nền kinh tế lớn. Việt Nam vẫn giao dịch với nhiều đối tác thương mại trên khắp phạm vi địa chính trị. Dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã chuyển dịch sang Mỹ, hơn 40% hàng nhập khẩu của nước này đến từ Trung Quốc.

- Những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong quá trình tái cấu trúc này là gì?

- Việt Nam đang tận hưởng những cơ hội ngày càng tăng do sự tái cấu trúc mô hình thương mại giữa các đối tác lớn. Từ 2017 đến 2023, tỷ lệ hàng hóa sản xuất nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm từ 24% xuống 15%. Điều này đặc biệt rõ ràng trong mặt hàng điện tử, từ 50% còn 30%.

Ngược lại, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ sự sụt giảm trên, với tỷ trọng hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh. Điển hình, laptop và điện thoại di động của Trung Quốc xuất sang Mỹ giảm tỷ trọng trong cả 2022, 2023, trong khi Việt Nam đang xuất khẩu ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là Việt Nam phải tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế nội địa. Trong đó, Việt Nam cần tập trung cải thiện chuyên môn và tiến lên những phân khúc giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng.

- Còn dòng vốn thì sao, Việt Nam có thể hưởng lợi gì từ các đợt dịch chuyển vốn hiện nay?

- Nhìn vào bức tranh toàn cầu, đầu tư đang tăng vào một số nền kinh tế đang phát triển. Điều này có thể cho thấy có sự tái cấu trúc thương mại mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Khoảng 60% vốn FDI dành cho các dự án mới (greenfield - công ty mẹ xây dựng và thiết lập các cơ sở hay chi nhánh hoàn toàn mới ở nước ngoài) đã đổ vào các nền kinh tế đang phát triển kể từ năm 2010, nhưng điểm đến của nó đang thay đổi. Sự gia tăng lớn nhất trong hai năm qua là ở châu Phi và Ấn Độ, trong khi vốn đầu tư công bố vào Trung Quốc và Nga lần lượt giảm 70% và 98% so với mức trung bình trước đại dịch.

Trong thời kỳ Covid-19, công bố FDI mới vào Việt Nam có giảm, nhưng đã phục hồi. Đầu tư vào Việt Nam đến từ các quốc gia trên khắp phạm vi địa lý và địa chính trị. Ví dụ, vốn đầu tư được công bố từ các công ty Mỹ đã tăng vọt trong năm 2022 lên tổng cộng 22 tỷ USD, so với mức trung bình trước đại dịch khoảng 3 tỷ USD. Tính đến hết tháng 10, Trung Quốc đã công bố khoản đầu tư 11 tỷ USD vào Việt Nam, so với mức trung bình hàng năm trước đại dịch dưới 2 tỷ USD. Sự gia tăng này chứng tỏ tiềm năng của Việt Nam như một cơ sở sản xuất công nghệ cao bởi hơn 80% vốn đổ vào linh kiện điện tử và sản xuất chất bán dẫn.

- Ông có đề xuất gì cho Việt Nam để tăng cường khả năng chống chịu trước những bất định địa chính trị, đồng thời duy trì sức hấp dẫn đối với đầu tư, thương mại?

- Dù tương lai của mô hình thương mại toàn cầu vẫn chưa rõ ràng và tồn tại nhiều bất ổn, các nhà lãnh đạo khu vực công và tư nhân Việt Nam vẫn có thể chủ động định vị để tận dụng các cơ hội và thậm chí định hình cục diện. Hiểu biết thực tế địa chính trị đang trở thành một năng lực cốt lõi của các nhà lãnh đạo.

Họ cần học cách nhận biết sớm các thay đổi, bao gồm biến động địa chính trị, kiểm soát thương mại, thay đổi quy định, thiếu hụt lao động, biến động kinh tế vĩ mô có thể phát triển mạnh. Bởi họ có thể sử dụng thông tin này nhằm xây dựng kịch bản chi tiết, từ đó đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt. Những doanh nghiệp nắm rõ chuỗi giá trị và mối quan hệ với nhà cung cấp sẽ có lợi thế hơn.      

Phương Ánh