Sẽ giải ngân 50% gói 350.000 tỷ đồng trong năm nay
Thông tin về việc triển khai các chính sách trong gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ, theo TTXVN, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT)Trần Quốc Phương cho biết hiện nhiều bộ ngành rục rịch triển khai và sắp ban hành chính sách hỗ trợ.
Bộ Tài chính đã triển khai giảm thuế VAT. Ngân hàng Nhà nước dự thảo quy định về cấp bù hỗ trợ lãi suất. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương đang chờ hướng dẫn do Bộ KH-ĐT soạn thảo về đầu tư công.
"Khối lượng công việc của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội rất nhiều, để đảm bảo tiến độ, các bộ, ngành và địa phương cần chỉ ra điểm vướng mắc để Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ tháo gỡ," Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, dự kiến trong năm 2022, sẽ giải ngân khoảng 50% của gói 350.000 tỷ đồng thuộc chương trình.
Riêng với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ KH-ĐT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xác định doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề nhất định để được hỗ trợ; trong đó có nhóm doanh nghiệp hỗ trợ phục hồi và nhóm doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển cho tương lai như công nghệ thông tin, công nghệ số.
Theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi kinh tế sẽ gồm: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục hướng dẫn và triển khai thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm như: hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm. Mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.
Các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%); tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022-2025; ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đánh giá Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội 2022-2023 tương đối khả thi, khả năng hấp thụ cũng sẽ được đảm bảo. Chương trình hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, có tiêu chí và thậm chí là có cả danh mục một số dự án cụ thể, hỗ trợ cả tổng cung lẫn tổng cầu.
Tuy nhiên, để chương trình triển khai thành công, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách; nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, từ đó, trung hòa cung tiền, kiểm soát mặt bằng lãi suất, kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Việt Nam cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tín dụng tăng trong tầm kiểm soát giai đoạn 2022-2023. Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ-tín dụng hiện nay, Việt Nam có thể tăng chi ngân sách, tăng tín dụng ở mức độ hợp lý (khoảng 13-14%/năm) và từ năm 2024 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn.
Ông Lực lưu ý cần hết sức chú trọng, quyết tâm cải tiến hiệu quả, kịp thời khâu thực thi. Ở đây, vai trò giám sát, đôn đốc của bộ, ngành chủ trì và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội cùng với chế tài cụ thể sẽ mang lại kết quả tích cực hơn.
Ông Lực kỳ vọng năm 2022, nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ có sự phục hồi khả quan với mức tăng trưởng của thế giới ước đạt từ 4,5-5% và Việt Nam có thể khoảng từ 6,5-7%.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng song song với xu hướng phục hồi kinh tế, áp lực lạm phát cũng có xu hướng gia tăng, đặc biệt khi giá cả, lạm phát toàn cầu và chi phí đầu vào dự kiến còn ở mức cao, tình trạng đứt gãy nguồn cung vẫn còn xảy ra ở một số lĩnh vực, địa bàn. Điều này gây áp lực trong việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2022, vừa phải cân bằng giữa việc hỗ trợ phục hồi kinh tế; đồng thời, chủ động đối phó với áp lực lạm phát, áp lực nợ xấu gia tăng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/