|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sau xe công, sẽ khoán cả điện thoại, nhà công vụ

14:14 | 31/10/2016
Chia sẻ
Sáng nay 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình trước Quốc hội dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) trong đó bổ sung một số quy định quản lý khối tài sản công trị giá 1.040.451,98 tỷ đồng.
sau xe cong se khoan ca dien thoai nha cong vu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi

Theo đó, Dự án Luật sửa đổi sẽ bổ sung một số điểm về quản lý tài sản, trong đó, sẽ giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với xe ô tô công, trụ sở làm việc cho Chính phủ thay cho thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay.

Dự thảo luật quy định điều kiện trang bị tài sản công theo hướng ưu tiên áp dụng các phương thức trang bị theo thứ tự ưu tiên: khoán kinh phí, thuê tài sản, mua sắm, đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, dự thảo luật bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công. Đó là mua sắm tập trung, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), khoán kinh phí sử dụng tài sản công.

Cụ thể, Luật sẽ nêu rõ việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng đối với nhà công vụ, xe ô tô phục vụ chức danh và phục vụ công tác chung của cơ quan Nhà nước; điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác theo chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

"Khoán kinh phí là phương thức được ưu tiên khi có nhu cầu sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác", dự thảo luật nêu rõ.

Đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự thực hiện quản lý vận hành tài sản công được giao quản lý, sử dụng hoặc thuê đơn vị có chức năng thực hiện quản lý vận hành.

Khi đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi mô hình hoạt động như cổ phần hóa, chuyển đổi thành doanh nghiệp, việc xử lý tài sản công cũng sẽ được quy định rõ trong dự thảo luật này.

Điểm đặc biệt, dự án Luật sửa đổi này bổ sung quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về tài sản công và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm.

Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công mà gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra vi phạm pháp luật tại đơn vị mình phụ trách theo hình thức xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo báo cáo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tổng giá trị tài sản công của Việt Nam tính đến 31/7/2016 là 1.040.451,98 tỷ đồng, với hơn 281.000 tỷ đồng tại các cơ quan Nhà nước, tại các đơn vị sự nghiệp hơn 718.500 tỷ đồng, tại các tổ chức hơn 37.600 tỷ đồng, tại các ban quản lý dự án gần 3.200 tỷ đồng.

Trong giai đoạn từ 01/01/2009 đến ngày 31/7/2016, có thêm 94.285 tài sản (gồm: đất, nhà, xe ô tô, các tài sản khác) với nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên với tổng giá trị là 220.774,71 tỷ đồng.

Được đầu tư thêm tài sản nhiều nhất là khối giáo dục - đào tạo với 65.902,06 tỷ đồng. Khối quản lý nhà nước tăng 32.496 tài sản với tổng giá trị là 62.064,31 tỷ đồng. Các khối sự nghiệp khác cũng được bổ sung 46.210,32 tỷ đồng tại 10.603 tài sản.

Tiếp đến, khối y tế được đầu tư tăng 12.335 tài sản có giá trị 32.121,38 tỷ đồng. Khối văn hóa thể thao và khối tổ chức được bổ sung lần lượt 7.589,07 tỷ đồng và 6.887,57 tỷ đồng.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, tổng giá trị tài sản công của mỗi quốc gia thông thường có quy mô bằng 4 lần GDP của quốc gia đó. "Ở Việt Nam, tổng giá trị tài sản công còn có thể lớn hơn", các chuyên gia đánh giá.

Thái Hoàng

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.