|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sản xuất công nghiệp: Coi thách thức là động lực bứt phá

16:25 | 23/02/2019
Chia sẻ
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực công nghiệp và là động lực chính của tăng trưởng. Dự báo cả năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) sẽ đạt mức tăng trưởng 9-10%, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

"Áp lực" để phát triển

Theo Bộ Công Thương, trong tháng đầu tiên của năm 2019, dù chỉ số SXCN ước tính giảm 3,2% so với tháng 12/2018, song so với cùng kỳ năm 2018 vẫn tăng 7,9%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo đóng vai trò then chốt khi tăng 10,1%, đóng góp 8 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Bên cạnh một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế; kim loại; xe có động cơ... thì cũng có một số ngành giảm như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị; khai thác quặng kim loại… Trên thực tế, có không ít thách thức mà SXCN phải đối mặt. Điển hình như, chưa có những dự án mới có quy mô lớn và tác động lan tỏa, đóng góp cho tăng trưởng và tạo sự bứt phá của ngành; chưa có thêm nhiều sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu...

san xuat cong nghiep coi thach thuc la dong luc but pha
Tạo thuận lợi cho sản xuất công nghiệp

Song song với thách thức, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành Công Thương diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng, vẫn còn khá nhiều điều kiện thuận lợi cho SXCN như môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ sẽ hỗ trợ tốt hơn cho DN trong nước đầu tư vào sản xuất, cũng như thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, nhiều Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất mới.

Tập trung vào ngành công nghiệp trọng tâm

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, SXCN đã và đang tồn tại không ít bất cập thể hiện qua tình trạng chuyển dịch cơ cấu ở một số lĩnh vực công nghiệp chưa thực sự bền vững. Giá trị gia tăng của sản phẩm ở một số ngành tuy có tăng nhưng còn chậm (dệt may, da giày, điện tử...), đồng thời khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp còn hạn chế. Chính vì vậy, tại thời điểm này, các DN ngành công nghiệp đang tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, máy móc, thiết bị, đẩy mạnh khâu thiết kế thay vì làm gia công, tạo bước chuyển mình nhằm "bắt sóng" hội nhập. Đơn cử như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thay vì đầu tư một nhà máy mới, các đơn vị thành viên, như May 10 đầu tư khâu cắt tự động, giúp công nhân đỡ vất vả, đạt được độ chính xác cao hơn, những khâu cực khó đều sử dụng robot hóa, thay thế được 8 công nhân tại cùng một công đoạn…

Bên cạnh đó, các DN trong ngành da giày đã chuyển hướng sang đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nếu trước đây chủ yếu tập trung làm đơn hàng gia công, nay nhiều DN đang đẩy mạnh khâu thiết kế sản phẩm, như công ty: Bitis, Thái Bình Shoes, Giày Tuấn Việt…

Để từng bước tạo đà phát triển cho SXCN, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong năm 2019, Bộ Công Thương sẽ triển khai tích cực Đề án và Kế hoạch cơ cấu lại các ngành công nghiệp; tiếp tục phát triển SXCN theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

Bộ Công Thương dự kiến, chỉ số SXCN năm 2019 tăng khoảng 9-10% so với năm 2018. Các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13%; sản xuất phân phối điện tăng từ 9,5-10%...

Xem thêm

Việt Anh