|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sàn giao dịch vận tải hàng hóa: Vào làm rồi mới thấy khó nhằn!

21:03 | 25/02/2019
Chia sẻ
Trong vài năm gần đây hàng loạt sàn giao dịch vận tải hàng hóa lập ra nhằm kết nối giữa chủ hàng và chủ xe để giảm chi phí vận tải. Nhưng vì sao cả chủ hàng lẫn chủ xe lại không mặn mà với chuyện kết nối này?
san giao dich van tai hang hoa vao lam roi moi thay kho nhan
Các sàn giao dịch vận tải hiện nay chủ yếu do một số công ty tư nhân thiết lập với mục đích hạn chế xe chạy rỗng, giảm chi phí, những sàn này còn thiếu độ tin cậy.

Có tiện ích nhưng rủi ro không ai chịu

Trong khi lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng tăng kéo theo nhu cầu vận tải hàng hóa cũng tăng, thì vài năm trở lại đây nhiều sàn giao dịch vận tải cũng được lập ra để kết nối nhu cầu vận tải giữa chủ hàng và chủ xe nhằm giảm lượng xe chạy rỗng một chiều, qua đó giúp giảm chi phí vận tải.

Ý tưởng rất tốt và tưởng chừng sẽ hấp dẫn cả chủ hàng lẫn chủ phương tiện, nhưng đến nay các sàn giao dịch vận tải thông qua trang web và cả app lại không thành công, số người dùng khá ít.

Là một trong những sàn giao dịch đầu tiên được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cấp phép từ cuối năm 2015, sau ba năm hoạt động sàn giao dịch vận tải Vinatrucking chưa nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp.

Ông Tạ Công Thuận, Tổng giám đốc sàn vận tải Vinatrucking, cho biết đến nay số lượng khách hàng giao dịch qua sàn không nhiều. Do lượng khách hàng ít, người phụ trách điều hành sàn không buồn thống kê số lượng người đang sử dụng. “Đặc thù của sàn vận tải hàng hóa khác với vận tải hành khách nên rất khó giao dịch qua sàn”, ông Thuận phân trần. Khi được hỏi có tiếp tục duy trì sàn vận tải hay không, ông cho hay “chúng tôi cũng đang xem xét việc này”.

Tương tự là sàn giao dịch sanvanchuyen.vn, con số thống kê được đưa trên trang web vào thời điểm ngày 18-2-2019 là có 805 công ty vận tải đã đăng ký; số giao dịch là 202; số tiền giao dịch qua sàn là 505 triệu đồng.

Ông Trịnh Quốc Khánh, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại TPHCM, cho biết sau một thời gian tham gia trên sàn mới thấy hạn chế của sàn giao dịch vận tải là thiếu những doanh nghiệp có uy tín và thương hiệu. Những thông tin doanh nghiệp đưa lên sàn không kiểm soát được. Hơn nữa, vận tải hàng hóa có giá trị rất lớn, nếu xảy ra mất mát và nếu không có người chịu trách nhiệm rồi không có chế tài xử lý thì doanh nghiệp không an tâm.

“Khi mất hàng doanh nghiệp thiệt hại thì biết kêu ai”, ông Khánh đặt vấn đề.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TPHCM, cho biết nhiều thành viên trong hiệp hội đã tham gia sàn vận tải. Thế nhưng, khách hàng giao dịch trên sàn đưa ra giá chưa hợp lý. Khi giao dịch việc thanh toán rườm rà nên nhiều doanh nghiệp không giao dịch trên sàn nữa.

Tại một hội thảo diễn ra hồi cuối năm 2018, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã chỉ ra rằng các sàn giao dịch vận tải hiện nay chủ yếu do một số công ty tư nhân thiết lập với mục đích hạn chế xe chạy rỗng, giảm chi phí, những sàn này còn thiếu độ tin cậy. Bên cạnh đó, sàn cũng chưa có giải pháp đảm bảo an toàn hàng hóa cho chủ hàng, nếu xảy ra mất hàng hoặc có tranh chấp rất khó giải quyết.

Những điều mà bà Thảo chỉ ra có lẽ là rào cản lớn nhất khiến các chủ hàng lẫn chủ xe chưa tin tưởng để giao dịch qua sàn vận tải.

Sàn giao dịch chỉ là “môi giới”

Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện nay tỷ lệ xe chạy xe rỗng ở Việt Nam ở mức 60-70%. Thông thường, doanh nghiệp sẽ tính một chuyến hàng bao gồm cả chi phí cho chiều về chạy rỗng để không bị lỗ. Nếu sàn giao dịch vận tải hàng hóa có hiệu quả, xe có hàng cả hai chiều, giá cước vận tải sẽ giảm từ 30-40%.

Khi các sàn giao dịch vận tải hàng hóa liên tục ra đời trong vài năm gần đây, các doanh nghiệp trước khi tham gia đều đặt câu hỏi: tìm hàng vận chuyển qua sàn giao dịch vận tải có thực sự hiệu quả hay không? Việc các doanh nghiệp lần lượt bỏ giao dịch qua sàn phần nào trả lời cho câu hỏi này.

Để việc giao dịch qua sàn hiệu quả và các chủ hàng thực sự tin tưởng vào sàn giao dịch, ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Liên, đề xuất các sàn giao dịch phải có hợp đồng bảo lãnh để gắn trách nhiệm của chủ sàn giao dịch nếu xảy ra hư hỏng, mất mát hàng hóa, khi đó chủ hàng và chủ xe mới tin tưởng.

Ông cho rằng, để có một sàn giao dịch đúng nghĩa thì phải có các bộ phận dịch vụ làm các khâu giao dịch, doanh nghiệp chỉ cần gọi một cú điện thoại chốt giá là xong. “Nếu giải quyết được các hạn chế này tôi tin sàn giao dịch vận tải hàng hóa sẽ có nhiều người dùng”, ông Phú nói.

Tương tự, ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp khi đăng ký trên sàn phải là những doanh nghiệp vận tải có uy tín, giá cả công khai, cạnh tranh. Trong trường hợp doanh nghiệp vận tải có sai phạm, khách hàng có quyền phản ánh và phải có chế tài, quy định để xử lý nghiêm sai phạm đó.

Những hạn chế mà doanh nghiệp nêu ra không phải các sàn giao dịch không biết, song khác với vận chuyển hành khách có thể lấy tiền ngay, còn hàng hóa phải qua hợp đồng, thương lượng nên phức tạp hơn. Một nhân viên đã từng tham gia điều hành một sàn vận tải cho biết, đa phần các công ty làm sàn giao dịch vận tải là những công ty nhỏ, thậm chí là cả công ty mới khởi nghiệp nên nhân sự và tiềm lực tài chính rất hạn chế. Nếu có hợp đồng cam kết bồi thường khi bị mất hàng hoặc hư hỏng thì phải có sẵn một số vốn để đền bù cho khách hàng, điều này rất khó đối với các công ty nhỏ.

Chính vì thế, phần lớn các sàn giao dịch vận tải không thực hiện việc cam kết bảo lãnh và chỉ đóng vai trò như người “môi giới” kết nối giữa chủ hàng và chủ xe để hai bên gặp nhau. Điều này cho thấy vì sao sàn giao dịch vận tải hàng hóa lập ra nhiều mà hiệu quả không được bao nhiêu.

Ý kiến của bạn về vấn đề này thì sao? Mời bạn đọc tham gia bình luận vào ô bên dưới.

Xem thêm

Lê Anh