|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Samsung sắp đóng cửa nhà máy cuối cùng ở Trung Quốc?

14:18 | 15/06/2019
Chia sẻ
Vào thời hoàng kim, khu phức hợp Samsung tại Huệ Châu ở phía bắc của Đồng bằng Châu Giang là nhà máy tại Trung Quốc lớn nhất của Samsung, sản xuất 1/5 lượng điện thoại thông minh được bán tại Trung Quốc vào năm 2011.

Bây giờ, các cửa hàng nhỏ và nhà cung ứng bao quanh khu phức hợp rộng lớn này – tâm điểm của cộng đồng cư dân nơi đây trong 27 năm qua – bỗng im hơi lặng tiếng và một thông báo được dán trên cánh cổng vào ngày 28/02/2019 cho biết Công ty đã ngừng tuyển dụng.

Samsung sắp đóng cửa nhà máy cuối cùng ở Trung Quốc?  - Ảnh 1.

“Thật ra, kể từ tháng 2/2019 sau Tết Nguyên đán Trung Quốc, ngày càng nhiều cư dân gần thị trấn Chen Giang, từ doanh nhân, người bán hàng rong, công nhân, chủ nhà đến nhân viên bảo vệ tại các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử gần đó, đã nghe thấy và lan truyền tin đồn rằng Samsung sẽ ngừng phần lớn công suất trong những tháng tới”, ông Zhong Ming, cư dân địa phương ở độ tuổi tứ tuần và là người đã chứng kiến sự trỗi dậy của nhà máy Samsung trong ba thập kỷ qua, chia sẻ.

Huizhou Samsung Electronics là nhà máy điện thoại thông minh cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc sau khi công ty đóng cửa cơ sở tại Thiên Tân trong tháng 12/2018. Samsung đã ngừng sản xuất thiết bị kết nối mạng vào đầu năm 2018 tại nhà máy ở Thâm Quyến.

Công nhân ở Huệ Châu đã chấp nhận nghỉ việc tự nguyện, trong khi người dân địa phương, công nhân và nhà cung ứng khác gần như đã chấp nhận rằng nhà máy sẽ đóng cửa.

Samsung sắp đóng cửa nhà máy cuối cùng ở Trung Quốc?  - Ảnh 2.

“Đèn đường phố ở đây được trang trí với biển quảng cáo bắt mắt của Samsung. Vậy mà bây giờ, tất cả đã biến mất”, Steve Huang, một kỹ sư đã làm việc tại nhà máy này được 17 năm, cho hay.

Anh Huang rất quan tâm đến sự an toàn công việc, vì anh cho biết số lượng nhân viên tại nhà máy đã giảm xuống còn khoảng 4,000 nhân viên, từ mức khoảng 9,000 vào năm 2013 – thời điểm mà Samsung còn đứng đầu tại Trung Quốc và chiếm 20% thị phần điện thoại thông minh.

Nhà máy ra đời vào ngày 24/08/1992, bốn ngày trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc và khi “gã khổng lồ” thiết bị điện tử này ký hợp đồng liên doanh với chính quyền thành phố Huệ Châu.

Một năm sau đó (1993), Samsung với số vốn điều lệ 32 triệu USD, bắt đầu đi vào hoạt động và từ đó đã sản xuất ra những thiết bị điện tử tiêu dùng mới nhất và phổ biến nhất, từ dàn âm thanh (trong những năm 1990), máy nghe nhạc MP3 (vào đầu những năm 2000) và điện thoại thông minh (kể từ năm 2007).

Năm 2011, thời điểm doanh số điện thoại thông minh của Samsung đứng đầu thế giới, hai nhà máy của họ ở Huệ Châu và Thiên Tân đã sản xuất và xuất khẩu lần lượt 70.14 triệu và 55.64 triệu chiếc điện thoại di động.

Samsung sắp đóng cửa nhà máy cuối cùng ở Trung Quốc?  - Ảnh 3.

Những thông báo cho thuê phòng. Giá thuê phòng đã giảm mạnh, nhưng vẫn còn quá nhiều phòng bị bỏ trống.

“Tháng trước, tôi nghe nói rằng vài trăm công nhân đã nhận được khoản bồi thường từ khoảng 10,000 Nhân dân tệ (1,400 USD) đến hơn 100,000 Nhân dân tệ (14,400 USD) [tùy thuộc vào số năm phục vụ] và rời Samsung”, một cư dân sở hữu nhà ở Huệ Châu cho biết .“Giá thuê cho một phòng đơn đã giảm từ 500 Nhân dân tệ (72 USD) xuống chỉ còn 200 hoặc 300 Nhân dân tệ. Vậy mà vẫn còn nhiều phòng đang bị bỏ trống”.

Đơn vị tại Trung Quốc của Samsung từ chối nhận định. Trước đó, nguồn tin Trung Quốc và Hàn Quốc cho biết Samsung đang cắt giảm sản xuất và sa thải bớt nhân viên tại nhà máy ở Huệ Châu khi doanh số điện thoại thông minh giảm tốc mạnh và họ tiếp tục chuyển hoạt động sản xuất sang các địa điểm có chi phí thấp hơn ở châu Á.

Trong quý đầu tiên của năm 2019, xuất khẩu điện thoại thông minh Samsung từ Huệ Châu đã giảm 20.1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc.

Sự sụp đổ của Samsung tại Trung Quốc cũng làm dấy lên mối lo ngại lớn hơn về tương lai kinh tế của Trung Quốc và vai trò của nước này trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là vào thời điểm Mỹ đang có cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Chính Samsung cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm cho việc mất thị phần điện thoại thông minh ở Trung Quốc, khi bộ phận tiếp thị và dịch vụ của họ không bắt kịp các thương hiệu Trung Quốc. Trên thực tế, công ty đang đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc, đồng thời mở rộng sản xuất ở Việt Nam và Ấn Độ. Đây là vấn đề đáng ngại đối với Trung Quốc.

Sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, Ấn Độ và thậm chí cả châu Phi, đặc biệt là sản xuất thâm dụng lao động và chuỗi lắp ráp hàng hóa cấp thấp, đã diễn ra ít nhất trong một thập kỷ qua khi chi phí lao động và giá thuê nhà tại Trung Quốc tăng mạnh, thuế cao và nền kinh tế giảm tốc mạnh.

Nhưng quá trình này rõ ràng đã được đẩy nhanh kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc gần một năm trước.

Foxconn, công ty lắp ráp iPhone và iPad lớn nhất thế giới, tuyển dụng một triệu công nhân tại Trung Quốc. Tuần trước, Foxconn cho biết họ có đủ khả năng sản xuất toàn bộ chiếc iPhone cho thị trường Mỹ ở bên ngoài Trung Quốc nếu cần thiết, theo Giám đốc cấp cao tại Foxconn. Young Liu, Trưởng bộ phận bán dẫn tại Foxconn, đã đưa ra nhận định trên tại một cuộc họp báo ở Đài Bắc trong ngày thứ Ba (11/06). Khi thương chiến Mỹ-Trung ngày càng leo thang và khó lường, Foxconn sẽ hỗ trợ hoàn toàn cho Apple nếu họ cần điều chỉnh hoạt động sản xuất, ông nói.

Thông báo đó, cộng với kế hoạch rời khỏi Trung Quốc của Samsung và thông tin cho biết một số công ty công nghệ Mỹ như Cisco và Oracle có kế hoạch cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc, có thể có tác động nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế và thị trường việc làm của Trung Quốc cũng như vị thế của nó trong chuỗi nguồn cung toàn cầu, theo các chuyên gia phân tích.

“Samsung là doanh nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới. Nếu sản xuất của họ bị cắt giảm hoặc rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc thì ít nhất 100 nhà máy [của các nhà cung ứng] ở Quảng Đông sẽ đóng cửa”, ông Liu Kaiming, người đứng đầu của Viện Quan sát Đương đại và giám sát điều kiện làm việc trong hàng trăm nhà máy ở Trung Quốc, nhận định. “Họ chẳng thể làm được gì nếu không có nhà máy Samsung tại Huệ Châu”.

Thế nhưng, các luồng thương mại thông thường đã suy giảm, trong đó Trung Quốc nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan để lắp ráp và sau đó tái xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu và Mỹ.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nhập khẩu từ Hàn Quốc đã giảm 13.1% trong 5 tháng đầu năm 2019, trong khi nhập khẩu từ Nhật Bản giảm 6.7% và từ Đài Loan giảm 6.9%.

Bern Quang, một nhà máy ở Huệ Châu có vốn đầu tư từ Hồng Kông và chuyên cung cấp mặt kính cho các sản phẩm của Apple và Samsung, đã buộc phải cắt giảm 8,000 công nhân kể từ tháng 11/2018 do số lượng đơn hàng giảm mạnh.

Janus, công ty sản xuất linh kiện chính xác có trụ sở tại Đông Quan và nhận trợ cấp từ chính phủ Quảng Đông, đã ghi nhận doanh số giảm 14.25% so với cùng kỳ năm trước và dẫn đến khoản lỗ ròng 2.86 tỷ nhân dân tệ (413 triệu USD).

Janus cho rằng khoản lỗ ròng này là do Samsung, khách hàng lớn nhất của công ty, đã ngừng đặt hàng từ Janus trong quý 4/2018. Điều này đã dẫn đến sự sụt giảm lượng đơn đặt hàng các linh kiện điện tử và giảm 2.408 tỷ nhân dân tệ (tương đương 349 triệu USD).

Thay vì sản xuất tại Trung Quốc, Samsung đã mở cơ sở sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới ở ngoại ô thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào năm 2018.

Samsung sắp đóng cửa nhà máy cuối cùng ở Trung Quốc?  - Ảnh 4.

Thay vì sản xuất tại Trung Quốc, Samsung đã mở cơ sở sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới ở ngoại ô thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào năm 2018.

Nhà máy này có khả năng lắp ráp 120 triệu điện thoại thông minh mỗi năm, sản xuất mọi thứ từ các thiết bị cầm tay cấp thấp có giá dưới 100 USD cho tới các mẫu máy hàng đầu của Samsung.

Đáp lại, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng giải quyết khiếu nại của các nhà sản xuất nước ngoài bằng cách hứa rằng họ sẽ được hoan nghênh và bảo vệ tại Trung Quốc.

Bắc Kinh đã gấp rút thông qua luật đầu tư nước ngoài trong năm nay để bảo vệ pháp lý cho sở hữu trí tuệ nước ngoài và cấm chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Họ cũng đang trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư tên tuổi như nhà sản xuất ô tô điện Tesla.

Nhà máy mới của Tesla ở Thượng Hải, được hỗ trợ bởi các khoản vay hào phóng của các ngân hàng Trung Quốc và thuộc sở hữu độc quyền của Tesla, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất xe Model 3 vào cuối năm 2019, chỉ một năm sau khi bắt đầu xây dựng.

Dữ liệu chính thức mới nhất của Trung Quốc cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã ổn định phần lớn trong 5 tháng đầu năm nay, với mức tăng 3.7% lên 55 tỷ USD. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đã giảm so với mức hai con số của năm ngoái.

Trước sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu, Wang Jisi, một chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ, đã viết trên Thời báo Hoàn cầu hôm thứ Năm rằng, Trung Quốc phải tránh rơi vào cái bẫy của việc tách rời khỏi Mỹ và phần còn lại của thế giới .

“Một số người Mỹ muốn thấy sự tách rời giữa hai nước về thương mại và công nghệ, nhưng Trung Quốc nên cố gắng hợp tác với các nước khác, bao gồm cả Mỹ, trong các lĩnh vực thương mại và công nghệ”, ông Wang Wang nói.

Đầu tháng này, Bộ công nghiệp công nghệ Trung Quốc đã cấp giấy phép mạng 5G cho China Telecom, China Mobile, China Unicom và China Broadcasting Network Corporation, báo hiệu những khoản đầu tư lớn vào thị trường di động lớn nhất thế giới trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ với Mỹ ngày càng leo thang.


Vũ Hạo