Rủi ro từ hoạt động vay nóng qua thẻ tín dụng
Thời gian qua, trên thị trường tín dụng xuất hiện tình trạng vay nóng qua thẻ tín dụng. Hành vi rút tiền mặt vay nóng từ thẻ tín dụng để chiếm dụng vốn từ ngân hàng đang làm méo mó thị trường tài chính, có thể làm gia tăng nợ xấu.
Với một chiếc thẻ tín dụng, khi cần vay nóng, chủ thẻ chỉ cần quẹt thẻ là có được ngay khoản tiền mặt với mức phí nhỏ hơn nhiều so với phí rút tiền tại ngân hàng.
Người có máy quẹt thẻ thu ngay 1,5 – 2,5% phí dịch vụ từ chủ thẻ, ngân hàng cũng thu được phí từ 0,8-1,6% cho mỗi lần quẹt thẻ. Chủ thẻ có thể chậm thanh toán tiền từ 30 đến 45 ngày mà không phải trả lãi.
Như vậy, với hình thức này, tất cả các bên đều có lợi. Chính vì vậy, dịch vụ “cho vay” từ thẻ tín dụng vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp đây là hành vi vi phạm pháp luật. Đây cũng là hệ lụy của việc phát hành thẻ quá dễ dãi của nhiều ngân hàng trong thời gian qua nhằm hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Theo các chuyên gia, hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân hàng trong thu hồi nợ. Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nếu người bán hàng và người mua hàng cố tình thông đồng để rút tiền thì ngân hàng kiểm soát rất khó khăn.
Bởi, hiện tại có rất nhiều điểm thanh toán POS mà nhân lực ngân hàng không thể giám sát hết được.
Các ngân hàng cần thiết phải khẩn trương vào cuộc để có những biện pháp mạnh tay hơn, nhằm giảm tới mức thấp nhất các rủi ro phát sinh từ giao dịch qua thẻ.
Còn luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, hoạt động này sẽ dẫn đến đánh giá không đúng cung cầu của thị trường tín dụng; không đánh giá đúng được dự nợ, tình hình nợ, phân loại nợ của ngân hàng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, về các hoạt động cấp tín dụng nói chung của tổ chức tín dụng với khách hàng cũng như những hình thức cấp tín dụng cho vay qua thẻ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đều đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn quy định cho vay đầy đủ. Những thông tư hướng dẫn điều kiện cho vay bao gồm thủ tục hồ sơ, trách nhiệm thanh tra đối với hoạt động này...
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, qua quá trình theo dõi, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, cơ quan chức năng sẽ xem xét từng vấn đề, nếu nội dung nào cần thiết phải đặt kế hoạch thanh tra thì cơ quan thanh tra giám sát sẽ thực hiện.
Các đơn vị chức năng của cơ quan thanh tra giám sát sẽ theo dõi tổng hợp để có đề xuất, giải pháp quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ của ngân hàng theo đúng mục tiêu đã đề ra.