Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín miễn nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định (trái) và bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ được Quốc hội miễn nhiệm trong tuần này - Ảnh: Quochoi.vn
Ngày 18-11 là ngày bắt đầu tuần làm việc thứ 5 của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Đây là tuần Quốc hội tiến hành công tác nhân sự, với hai nội dung miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Khắc Định và bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình đề nghị miễn nhiệm ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Y tế, sáng 22-11, các đại biểu sẽ thảo luận ở đoàn.
Việc bỏ phiếu kín đối với hai đề nghị miễn nhiệm trên được tiến hành vào buổi chiều, kết quả kiểm phiếu và việc thông qua các nghị quyết về miễn nhiệm sẽ thực hiện ngay sau đó.
Việc bầu nhân sự thay thế ông Định sẽ tiến hành vào đầu tuần sau. Trong khi việc phê chuẩn người thay bà Tiến không có trong chương trình kỳ họp.
Trước đó, Bộ Chính trị đã quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã được cử làm bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng đã được Bộ Chính trị chỉ định giữ chức bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Ngoài nội dung trên, tuần này Quốc hội tiếp tục dành phần lớn thời gian thực hiện công tác xây dựng pháp luật.
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 1 nghị quyết và 6 luật, gồm: Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; và Luật Lực lượng dự bị động viên.
Trong các phiên làm việc toàn thể tại hội trường, các đại biểu thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.
Quốc hội cũng sẽ thảo luận các dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.