|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia

16:11 | 09/06/2019
Chia sẻ
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật này vào cuối kỳ họp.

Ngày 10-14/6, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV bước vào tuần làm việc cuối cùng.

Một số dự án luật quan trọng sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia - Ảnh 1.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Thư viện, Luật Chứng khoán và Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng sẽ được thảo luận chung trên hội trường Quốc hội.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Thư viện, Luật Chứng khoán và Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng sẽ được thảo luận chung trên hội trường Quốc hội.

Bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín

Quốc hội sẽ phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND Tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị này.

Ngoài ra, trong tuần làm việc cuối cùng, Quốc hội dành phần lớn thời gian để thông qua các dự án luật và nghị quyết.

Các nghị quyết được biểu quyết thông qua gồm: Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017;

Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết chung của kỳ họp cũng sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp.

Nhiều dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua, gồm: Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Giáo dục (sửa đổi).

Không phải Quốc hội không muốn phạt tài xế "ma men"

Đặc biệt, dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Đây là dự luật còn nhiều ý kiến khác nhau, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng so với dự thảo ban đầu được đưa ra, dự thảo luật trình và được thảo luận tại Quốc hội đã “yếu” đi rất nhiều, khi các chế tài mạnh nhằm kiểm soát rượu, bia bị đưa ra ngoài.

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia - Ảnh 2.

Với phương án cấm người điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn không nhận được sự thống nhất của 50% đại biểu Quốc hội. Ảnh: Hoài Thu.

Chiều 3/6, Quốc hội xin ý kiến các đại biểu về 3 vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này trước khi hoàn thiện. Chỉ có nội dung về khung thời gian không quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình được đa số đại biểu thống nhất.

Theo đó, sẽ quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian 18-21h hàng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em.

Riêng với quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông là vấn đề được quan tâm đặc biệt, trong bối cảnh vừa qua xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm do tài xế say xỉn gây ra, lại không đạt được sự thống nhất của gần 500 đại biểu.

Cả hai phương án cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn, và cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông, đều không được quá 50% đại biểu tán thành. Vì vậy, quy định này sẽ không được ghi vào trong luật.

Nhiều ý kiến sau đó cho rằng Quốc hội không muốn xử phạt tài xế sử dụng rượu, bia gây tai nạn. Tuy nhiên, trong phiên chất vấn vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã giải thích “hiểu lầm” này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông mà luật hiện hành đã có quy định. Dù Quốc hội không biểu quyết thì vẫn có thể thực hiện theo pháp luật hiện hành.

Hoài Thu