\"Nói như dự luật thì Trịnh Xuân Thanh đang đi... du lịch\"
Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ. |
Điều 3 của dự thảo luật giải thích: du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá một năm liên tục, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.
Theo ông Bộ thì giải thích này không thể hiện được bản chất của du lịch. Vì bản chất của du lịch là hoạt động rời khỏi nơi cư trú của mình nhưng phải một cách hợp pháp.
“Áp dụng khái niệm này, thì với người chuyên xét xử án hình sự như chúng tôi, câu giải thích với sự kiện nóng của đất nước là Trịnh Xuân Thanh đang đi... du lịch”, ông Bộ phân tích.
Một số ý kiến khác tại phiên thảo luận cũng cho rằng khái niệm về du lịch vẫn kế thừa quy định cũ, không còn phù hợp.
“Nếu giải thích quy định du lịch như dự thảo thì du lịch chưa thể là ngành tổng hợp, khái niệm du lịch phải mở ra với tính chất là một ngành kinh tế tổng hợp gắn với văn hóa và tính xã hội hóa”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói.
Lưu ý ban soạn thảo về các vấn đề còn nhiều ý kiến, trong đó có giải thích từ ngữ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh lần sửa đổi này, Luật Du Lịch phải tạo ra được khuôn khổ pháp lý để khắc phục được yếu kém của ngành du lịch hiện nay.
“Du lịch Việt Nam còn kém lắm, tôi nói thật, rừng biển Việt Nam không thua kém gì nhiều nơi trên thế giới, nhưng khách đến một lần rồi không quay lại”, Chủ tịch đánh giá.
Với yêu cầu tạo khuôn khổ pháp lý cho ngành du lịch phát triển mạnh hơn, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân “phê” chính sách tại dự thảo luật còn rất chung chung. Cần thiết kế chính sách cụ thể hơn, bà yêu cầu.
Theo Nguyễn Lê
VnEconomy