|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nỗi khổ của người sáng lập Grab khi phải từ chối nhân tài

18:44 | 30/11/2017
Chia sẻ
Hai người sáng lập Grab sẵn sàng loại những ứng cử viên sáng giá nếu họ không phù hợp với văn hóa công ty, dù họ rất đau đớn khi phải ra quyết định như thế.

Các công ty sẵn sàng trả lương rất cao để chiêu mộ những người lao động xuất sắc và sáng tạo. Nhưng việc gì sẽ xảy ra khi một ứng cử viên tài năng không phù hợp với văn hóa công ty?

Giải pháp tốt nhất là từ chối họ, mặc dù những quyết định như thế rất khó, theo người đồng sáng lập hãng đặt xe trực tuyến Grab, chị Tan Hooi Ling.

Grab ra đời ở Malaysia 5 năm trước với tư cách là phiên bản địa phương của hãng chia gọi xe trực tuyến Uber. Từ đó tới nay, công ty cung cấp dịch vụ tại 132 thành phố ở Đông Nam Á. Tổ chức nghiên cứu CB Insight coi họ là một trong những start-up lớn nhất ở Đông Nam Á. Theo kết quả định giá mới nhất, giá trị của Grab vào khoảng 6 tỷ USD.

noi kho cua nguoi sang lap grab khi phai tu choi nhan tai
Tan Hooi Ling, người đồng sáng lập Grab, giữ chức giám đốc vận hành của công ty. Ảnh: Getty

Hiện tại Grab cung cấp dịch vụ xe riêng, xe ôm, taxi, chia sẻ ô tô và các dịch vụ vận tải khác. Năm ngoái, họ tung ra dịch vụ thanh toán trực tuyến và mở rộng dịch vụ ở Singapore hồi đầu tháng 11.

Tan Hooi Ling, người đồng sáng lập Grab, chia sẻ với CNBC về những điều cô học sau 5 năm xây dựng công ty từ con số không.

Bài học quan trọng nhất mà Tan rút ra là tuyển người phù hợp với văn hóa và những giá trị của công ty, dù để theo đuổi nguyên tắc ấy, chủ doanh nghiệp phải sẵn sàng từ chối những ứng cử viên sáng giá.

Tuyển người phù hợp

Doanh nghiệp mới thường xuyên phải giành giật nhân tài với những tập đoàn lớn. Với danh tiếng và tiềm lực tài chính, đương nhiên tập đoàn lớn là nơi hấp dẫn nhân tài hơn so với các start-up.

Chiêu mộ người phù hợp có thể quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp mới.

“Đó là lý do duy nhất chúng tôi đạt thành tựu như ngày nay. Nói một cách thẳng thắn và chân thành, Anthony Tan (đồng sáng lập Grab) không phải là người giỏi nhất trong công ty, và chúng tôi cảm thấy vui với thực tế đó”, cô tâm sự.

Đó là lý do khiến loại bỏ ứng cử viên tài năng nhưng không phù hợp với văn hóa công ty là việc cực khó.

Tan kể rằng khi cô và Anthony Tan phỏng vấn ứng viên, họ thấy nhiều người có thể đóng góp giá trị lớn cho Grab. Nhưng nếu họ không phù hợp văn hóa công ty, hai người vẫn phải loại.

“Từ chối họ là việc khiến chúng tôi đau đớn. Nói lời từ chối luôn khó hơn rất nhiều so với đồng ý”, Tan bình luận. Cô nói thêm rằng bỏ qua nhân tài không phù hợp với văn hóa công ty ngay từ đầu sẽ giúp cả hai bên tránh nhiều hệ lụy xấu sau này.

noi kho cua nguoi sang lap grab khi phai tu choi nhan tai
Ông Anthony Tan và cô Tan Hooi Ling, hai người sáng lập hãng Grab. Ảnh: Strait Times

Văn hóa doanh nghiệp là chủ đề quan trọng trong các cuộc thảo luận năm nay trong bối cảnh những cáo buộc quấy rối tình dục và phân biệt đối xử người lao động liên tục xuất hiện ở Thung lũng Sillicon tại Mỹ. Chẳng hạn, Uber gặp khủng hoảng truyền thông sau do những cáo buộc lạm dụng tình dục và thay đổi tổng giám đốc điều hành.

Tình trạng ấy khiến bà Arianna Huffington – người sáng lập tờ báo Huffington Post và là thành viên Hội đồng quản trị Uber – nhận xét rằng văn hóa doanh nghiệp là hệ miễn dịch của doanh nghiệp.

Chọn đúng mục tiêu cần ưu tiên

Lựa chọn những ưu tiên hợp lý cũng là yếu tố quan trọng không kém tuyển người phù hợp, Tan nhận định. Những ưu tiên đúng sẽ dẫn dắt doanh nghiệp mới tới con đường tăng trưởng bền vững. Chúng cũng giúp doanh nghiệp lớn dự đoán xu thế để luôn dẫn đầu thị trường trong tương lai với mọi nguồn lực họ có.

Song Tan thừa nhận thiết lập những mục tiêu cần ưu tiên là việc rất khó. “Vì nếu bạn quá tập trung vào mục tiêu, bạn sẽ ngừng sáng tạo. Thế nhưng nếu bạn quá sáng tạo, bạn sẽ mất tập trung và chẳng đạt thành tựu nào”, cô giải thích.

Xác định thứ tự ưu tiên cho Grab là việc quyết định triển khai dịch vụ mới ở một quốc gia rồi mới tiếp tục phát triển sang nước khác, hay triển khai đồng loạt ở nhiều nước. Nó cũng đồng nghĩa với việc quyết định có nên mở rộng hoạt động của Grab ra ngoài phạm vi Đông Nam Á để hướng sang những thị trường lớn hơn như Ấn Độ, Trung Quốc. Đó là câu hỏi mà hai người đồng sáng lập trăn trở nhiều lần. Đến thời điểm hiện tại, Grab luôn khẳng định họ chưa có kế hoạch vươn ra ngoài Đông Nam Á.

Chí Thuần/CNBC