Nợ vay ODA lên 600.000 tỷ đồng, vượt trần gấp đôi, quy trách nhiệm cho NHNN và 2 bộ
Chiều 9/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về tình hình quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2016 – 2020.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020, tổng mức đầu tư vốn từ nguồn ngân sách tối đa là 2 triệu tỷ đồng, trong đó vốn vay nước ngoài ODA không được quá 300.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tổng số vốn vay ODA tính đến cuối năm 2017 đã lên tới con số 600.000 tỷ đồng, vượt gấp đôi mức trần Quốc hội cho phép (300.000 tỷ đồng).
Vốn vay ODA lên 600.000 tỷ đồng, vượt trần gấp đôi. Ảnh minh họa. |
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nhu cầu vốn vay nước ngoài cần bổ sung thêm tính đến tháng 5/2018 là gần 110.000 tỷ đồng, trong đó khoản phát sinh thêm không nằm trong kế hoạch là hơn 72.000 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, chính các khoản giải ngân vượt dự toán gần 40.000 tỷ đồng là nguyên nhân dẫn đến vi phạm hạn mức vốn vay ODA 300.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2016 – 2020 đã được Quốc hội thông qua.
Trong đó, một số dự án có mức độ giải ngân vốn cao hơn gấp nhiều lần kế hoạch vốn. Chẳng hạn, dự án Quản lý thiên tai tại Quảng Bình có kế hoạch bố trí vốn là 13,6 tỷ đồng, trong khi giải ngân lên tới 113,1 tỷ đồng, cao gấp 8 lần dự toán; dự án Phục hồi và Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Trị (JICA) kế hoạch bố trí 57 tỷ đồng, trong khi giải ngân là 116,3 tỷ đồng, cao hơn gấp 2 lần dự toán…
Theo đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc giải ngân thực tế vượt gấp nhiều lần dự toán đã khiến bội chi ngân sách giai đoạn 2011 – 2015 cao hơn mức cho phép của Quốc hội.
Xác định trách nhiệm để xảy ra vượt trần nợ vay ODA, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chưa làm tròn trách nhiệm quản lý, trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa báo cáo kịp thời khi vốn vay ODA bị vượt trần.
Trước đó, tại kỳ họp cuối năm 2017, một số vị đại biểu đã đặt vấn đề và sau đó gửi chất vấn đến Thủ tướng là liệu có giữ được vay ODA giai đoạn 2016 - 2020 trong mức 300 ngàn tỷ đã được Quốc hội quyết định không, có giữ được trần nợ công không?
Tại một cuộc họp báo cuối năm 2017 khi nhận câu hỏi về tổng số vốn vay ODA ký kết hiện tại đã lên tới con số 600 nghìn tỷ đồng, vượt gấp đôi định mức Quốc hội cho phép, một vị quan chức của Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giải trình với Quốc hội về việc nợ vay ODA lên tới 600 nghìn tỷ đồng. Số nợ vốn vay vượt gấp đôi nói trên được giải thích là vốn vay đã ký kết nhưng chưa giải ngân nên sẽ được tính vào giai đoạn sau.
Phát biểu trên báo Đất Việt hồi giữa tháng 12/2017, PGS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, cách giải thích của vị quan chức Bộ Tài chính trên có thể chỉ là một cách giải thích mang tính "tình thế". “Hoàn toàn có khả năng, điều này có nguyên nhân từ việc ký kết vay vốn khi chưa xem xét, đánh giá kỹ dự án, một biểu hiện của chạy đua vay vốn để lấy tăng trưởng, lấy thành tích, rất đáng báo động”, PGS.TS Đặng Đình Đào nói.
Theo ông Đào, trước hết, Quốc hội cần yêu cầu Bộ KH-ĐT báo cáo rất cụ thể tổng vốn vay 600.000 tỷ đó là vay cho những hạng mục nào? Những công trình, dự án như thế nào? Địa phương nào đã được cấp phát vốn? Những dự án đó có nằm trong kế hoạch phát triển trung, dài hạn hay không?
Tiếp đến, Bộ KH-ĐT phải giải trình về việc đã sử dụng dòng vốn đó như thế nào? Hiệu quả ra sao?
Tiếp nữa, cũng cần phải thông tin cụ thể về việc vốn vay gấp đôi hạn mức cho phép mà vốn vẫn mắc, dự án không chạy là nguyên nhân gì? Giải ngân có đúng đối tượng hay không? Tại sao giải ngân không hiệu quả nhưng vẫn cứ hối thúc vay vốn?
Ông Đào đánh giá, nguồn vốn vay ưu đãi ODA có vai trò rất quan trọng đối với quá trình đầu tư, phát triển kinh tế, hạ tầng, xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, sử dụng dòng vốn đó như thế nào cho hiệu quả, để vốn vay ODA không trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, con cháu thế hệ sau không phải còng lưng trả nợ là một vấn đề lớn?
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/