Ninh Bình khống chế, dập dịch tả lợn châu Phi
Toàn tỉnh đã có 2.800 hộ có lợn phải tiêu hủy với tổng số con tiêu hủy là hơn 13.000 con với tổng trọng lượng hơn 900 tấn. Hai huyện bị thiệt hại nặng nề nhất là huyện Nho Quan có 23/27 xã có dịch với hơn 6.000 lợn phải tiêu hủy; huyện Gia Viễn có 20/21 xã, thị trấn có dịch với hơn 4.000 lợn phải tiêu hủy. Ngay khi phát hiện dịch bệnh tái phát, tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm nhanh chóng khống chế dịch, không để dịch lây lan, tránh gây tổn thất cho nhân dân.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình cho biết, sau một thời gian dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được khống chế, ngày 17/8, dịch đã bùng phát trở lại tại nhiều địa phương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành chăn nuôi và việc bảo đảm nguồn cung thịt lợn.
Hiện nay, toàn tỉnh mới có 13/97 xã, phường, thị trấn công bố hết dịch. Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là do nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh thực hiện tái đàn, nhưng con giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật tại nhiều địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ và đặc biệt là do hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ, không áp dụng đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học... Hiện các địa phương đang rà soát, thống kê tổng đàn lợn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết, chủ động phòng chống dịch và hướng dẫn người dân áp dụng biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, để dập dịch và khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan trên diện rộng, tỉnh Ninh Bình đang chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. UBND tỉnh cũng thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống các địa phương có dịch chỉ đạo phòng, chống dịch và huy động nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan. Đồng thời, yêu cầu các hộ dân, cơ sở chăn nuôi khi phát hiện lợn bệnh, chết nghi mắc bệnh truyền nhiễm phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm và xử lý dịch bệnh kịp thời.
Đối với những vùng đang bị dịch, đơn vị chức năng phải thực hiện tốt việc ngăn chặn vận chuyển, tiêu thụ lợn ra vào vùng dịch; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh và không bán chạy lợn. Các hộ, cơ sở chăn nuôi phải báo cáo chính quyền khi phát hiện lợn ốm để tiêu hủy kịp thời; thực hiện tốt khử trùng, tiêu độc ở khu vực đang có dịch, cũng như các khu vực lân cận để ngăn dịch lây lan.
Tại các trang trại, hộ chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến cáo người dân triển khai khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi; trong đó, tập trung phun tiêu độc, khử trùng tại các vùng có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao, các ổ dịch cũ và ổ dịch mới xuất hiện. Hiện, tỉnh Ninh Bình đã cấp 20.000 lít hóa chất và 300 tấn vôi bột để tổ chức phun khử trùng tiêu độc.