|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những thách thức chờ đợi Bí thư Hà Giang Đặng Quốc Khánh

12:39 | 07/07/2019
Chia sẻ
Tân Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ ở đây như: Hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, đưa địa phương này thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, lấy lại niềm tin trong thi cử, chấn chỉnh công tác cán bộ...

Ông Đặng Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đến Hà Giang làm Bí thư tỉnh này với nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít thách thức chờ đợi ông nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.

Đưa Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt tốc độ tăng bình quân 7,5-8%; Cơ cấu kinh tế: Thương mại - dịch vụ chiếm 39%, công nghiệp - xây dựng 28%, nông lâm nghiệp - thuỷ sản 33%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.000 tỷ đồng;

Giá trị hàng hoá xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 880 triệu USD; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm; tổng sản lượng lương thực đạt 42 vạn tấn; giá trị sản xuất bình quân/ha đất canh tác đạt 50 triệu đồng; tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp đạt 30%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%;

Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 41 xã; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,4%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm đạt 3%; tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 94,4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; tỷ lệ huy động trẻ từ 6 đến 14 tuổi đến trường đạt 99%; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và đạt 8,8 bác sỹ/1 vạn dân.

Những thách thức chờ đợi Bí thư Hà Giang Đặng Quốc Khánh - Ảnh 1.

Hà Giang vẫn là địa phương đặc biệt khó khăn.

Tỷ lệ dân số thành thị được sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 86%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đạt 90%; trên 90% xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt 90%; tỷ lệ đảng viên từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt 99%; nình quân hằng năm kết nạp mới 2.200 đảng viên.

Nghị quyết cũng đưa ra 2 nội dung đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng công vụ và xây dựng cơ chế, chính sách, vận dụng và đưa chính sách vào cuộc sống.

Cùng với đó là 5 chương trình trọng tâm: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển dược liệu; phát triển du lịch; phát triển kinh tế biên mậu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Sơ kết 3 năm (2016-2018) thực hiện nghị quyết, Hà Giang đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, đúng trọng tâm; tiềm năng, lợi thế của địa phương từng bước được khai thác và phát huy hiệu quả: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân đạt 7,5%/năm.

So với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra; có 19/48 chỉ tiêu hoàn thành và vượt (chiếm 39,6%); 21/48 chỉ tiêu đạt từ 80% đến dưới 100% (chiếm 43,8%); 4/48 chỉ tiêu đạt từ 50% đến dưới 80% (chiếm 8,3%) và 4/48 chỉ tiêu đạt dưới 50% (chiếm 8,3%).

Trong các chỉ tiêu đạt và vượt, có những chỉ tiêu trọng yếu, đòi hỏi phải huy động nguồn lực đầu tư lớn, như tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân đạt 4,6%/ năm, vượt 15% so với chỉ tiêu nghị quyết; số xã đạt chuẩn xây dựng Nông thôn mới 30/34 xã, vượt 13% so với chỉ tiêu nghị quyết; tỷ lệ thôn bản có đường đi được xe cơ giới vượt 11% so với chỉ tiêu nghị quyết…

Để hoàn thành các chỉ tiêu còn lại trong 6 tháng cuối năm 2019, năm 2020, ông Đặng Quốc Khánh phải cùng Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang cùng các cấp, ngành tập trung đồng bộ các giải pháp thực hiện 2 "khâu đột phá", "5 chương trình trọng tâm" và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các Đề án phát triển kinh tế - xã hội, Tái cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tháo gỡ các “nút thắt”.

Bên cạnh đó là thực hiện rà soát, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các quy hoạch; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, gắn với việc đánh giá năng lực cán bộ lãnh đạo với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án thu hút đầu tư ngoài ngân sách và đẩy mạnh việc giải ngân các nguồn đầu tư công, để hoàn thiện các chỉ tiêu.

Đồng thời chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng 19 tiêu chí đã đạt và vượt. Đối với 21 tiêu chí, hiện đã hoàn thành đạt từ 80% đến dưới 100%, xây dựng kế hoạch, gắn với nguồn lực thực hiện, để phấn đấu hoàn thành trong năm 2019, nâng 4 tiêu chí hoàn thành từ 50% đến dưới 80%, lên hoàn thành từ 80% đến dưới 100% và nâng 4 tiêu chí hoàn thành dưới 50%, lên hoàn thành trên 70%.

Những thách thức chờ đợi Bí thư Hà Giang Đặng Quốc Khánh - Ảnh 2.

Nhiều thách thức chờ đợi ông Đặng Quốc Khánh ở Hà Giang. Ảnh: Thắng Quang.

Với mục tiêu cao nhất, phấn đấu đến năm 2020, ông Đặng Quốc Khánh cùng lãnh đạo tỉnh Hà Giang xây dựng địa phương thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của các tỉnh miền núi.

Để làm được điều đó, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh cần chỉ đạo, kêu gọi các cấp, ngành; đặc biệt người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quyết tâm, quyết liệt hoàn thành các nhiệm vụ ngành, lĩnh vực phụ trách, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội sớm hơn Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

Lấy lại niềm tin trong tổ chức kỳ thi THPT

Ngoài ra, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Hà Giang cùng các tỉnh Sơn La, Hòa Bình là điểm "nóng" về gian lận thi cử.

Vừa qua, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang tại kỳ họp thứ 26, khóa XVI về xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Đức Quý và ông Vũ Văn Sử.

Ông Trần Đức Quý là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang. Ông Vũ Văn Sử là nguyên Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực ban chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 của tỉnh Hà Giang.

Theo đó, ngày 17/6/2019, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) tổ chức Kỳ họp lần thứ 26 để kiểm điểm, xem xét, quyết định hình thức kỷ luật đối với 2 Tỉnh ủy viên có khuyết điểm, vi phạm trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh.

Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan an ninh điều tra (Công an tỉnh Hà Giang), tại hội đồng thi THPT Quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang có 309 bài thi của 107 thí sinh được can thiệp nâng điểm. Tương ứng với số này là 210 bố, mẹ của thí sinh được xác định có liên quan việc nâng điểm (trong đó có 2 thí sinh trong cùng một gia đình).

Gian lận trong thi cử ngoài việc kỷ luật những lãnh đạo trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang có dấu hiệu chấp hành không nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để xảy ra một số vi phạm, khuyết điểm trong công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018.

Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành giáo dục, gây bức xúc trong xã hội, để nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự.

Vừa qua, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại Hà Giang, ban đầu được đánh giá làm nghiêm túc, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, để "chấn hưng" và lấy lại niềm tin đã mất từ người dân là thử thách không nhỏ đối với tân Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Giang.

Kiểm soát quyền lực thân hữu

Ngày 17/9/2016, trên mạng xã hội đăng tải thông tin có ít nhất 8 người là vợ, anh em ruột thịt, em rể, anh em họ hàng của ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang (nay Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương), đang giữ các vị trí chủ chốt của nhiều ban ngành, địa phương trong tỉnh.

Những thách thức chờ đợi Bí thư Hà Giang Đặng Quốc Khánh - Ảnh 3.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính trao quyết định bổ nhiệm ông Đặng Quốc Khánh làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Ảnh: CTV.

Trao đổi với báo chí thời điểm đó, ông Triệu Tài Vinh xác nhận cả 8 người trên đều là người thân của mình, nhưng “8 người thân của tôi được bổ nhiệm đều đúng quy trình”.

Ông Vinh cho rằng, nếu chỉ nhìn vào danh sách người nhà này thì sẽ là “chuyện không hay” nhưng đi vào từng trường hợp cụ thể thì “sẽ thấy việc bổ nhiệm không có khuất tất”. Ông khẳng định rằng "Lên Hà Giang sẽ biết năng lực người được bổ nhiệm".

Dư luận có ý kiến khác nhau về sự kiện "cả họ, cả nhà làm quan chức đúng quy trình" này. GS.TS Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, cho rằng "Nếu cứ để tình trạng cả họ, cả nhà làm quan "đúng quy trình" thì đến một lúc nào đó quyền lực gia đình sẽ lại lấn át cả quyền lực nhà nước, chẳng cơ quan nào kiểm soát được".

Việc kiểm soát được quyền lực ở Hà Giang đối với người đứng đầu Tỉnh ủy Hà Giang, còn trẻ tuổi như ông Đặng Quốc Khánh cũng không phải là điều đơn giản.

Tuy thử thách là vậy, nhiều chuyên gia và dư luận vẫn tin rằng trước bản lĩnh chính trị của ông Đặng Quốc Khánh, ông sẽ cùng Hà Giang bước sang một trang mới sau nhiều năm nắm giữ của ông Triệu Tài Vinh.

Thắng Quang

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.