|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những người phụ nữ quyền lực trong ngành tài chính thế giới

16:23 | 08/03/2021
Chia sẻ
Họ là những 'bóng hồng' quyền lực, với khả năng đưa những quyết định ảnh hưởng sâu sắc đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ - Janet Yellen

election-janet-yellen-05-gty-llr-201123_1606163073165_hpMain_16x9_1600.jpg

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ - Janet Yellen. (Ảnh: NBC)

Bà Yellen, năm nay 74 tuổi, tốt nghiệp các trường đại học Brown và Yale, bà Yellen cũng là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Fed sau khi được Thượng viện Mỹ xác nhận vào năm 2014.

Khi bà nhận chức, giới chuyên môn hết lời ca ngợi vị nữ chủ tịch đầu tiên trong lịch sử 100 năm của Fed có trình độ chuyên môn cao nhất từ trước đến này.

Bề dày thành tích hàn lâm và thực tế của Yellen khiến mọi người nể phục: Dạy ở đại học Harvard, Trường kinh tế London, là thành viên của Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng, nằm trong Ban Thống đốc FED, Chủ tịch Ngân hàng FED ở San Francisco, phó chủ tịch FED…

Nhiệm kỳ 4 năm của bà ở vị trí lãnh đạo của Fed được đánh dấu bằng việc thị trường việc làm được cải thiện và lãi suất thấp trong lịch sử cũng có thể được xem như cơ sở thúc đẩy tỷ lệ xác nhận đối với bà Yellen cho vị trí quan trọng này.

Trong suốt sự nghiệp của mình, bà Yellen là người ủng hộ việc sử dụng chính sách kinh tế nhằm thu hẹp khoảng cách về chủng tộc và giới tính, một vấn đề mà bà cho rằng đang kìm hãm nền kinh tế phát triển hơn. Bà cũng thúc đẩy các chính sách để giải quyết biến đổi khí hậu khi cho rằng chúng có khả năng ảnh hưởng xấu đến tài sản, tín dụng và hệ thống tài chính.

Ngày 28/1/2021, bà Janet Yellen đã được Thượng viện Mỹ xác nhận để trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Tài chính thứ 78 của Mỹ.

Bà là người ủng hộ gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Biden đề xuất nhằm vực dậy nền kinh tế cũng như giúp người dân Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB)

anh_1_vftw.jpg

Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu. (Ảnh: NBC)

Sinh ngày 1/1/1956 tại thủ đô Paris, bà Christine Lagarde là một luật sư thành công người Pháp. Trước khi bước vào chính trị, bà Lagarde từng là nữ Tổng Giám đốc điều hành đầu tiên của Baker & McKenzie, một trong những công ty luật lớn nhất thế giới.

Đứng đầu Bộ Tài chính Pháp giai đoạn 2007 - 2011, bà Christine Lagarde là nữ Bộ trưởng đầu tiên trong lịch sử các nền kinh tế G8, theo đuổi không mệt mỏi những cải cách kinh tế thông minh và táo bạo. Năm 2009, bà được tạp chí Financial Times bầu chọn là "Bộ trưởng tài chính xuất sắc nhất châu Âu".

Tháng 6/2011, bà Lagarde trúng cử Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho nhiệm kì 5 năm bắt đầu từ 5/7/2011, rồi tiếp tục đảm nhiệm cương vị này đến tháng 9/2019 trước khi rời đi để giữ vai trò Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).

Tại IMF, bà Lagarde đã giúp đàm phán gói cứu trợ có qui mô lớn nhất từ trước đến nay của tổ chức này, dành cho Argentina vào năm 2019. Bà cũng tìm cách gia tăng tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc tại IMF, đồng thời nhấn mạnh hơn vào các vấn đề bao gồm thay đổi khí hậu, thu nhập và bất bình đẳng giới.

Đầu tháng 11/2019, bà Christine Lagarde chính thức tiếp quản vai trò Chủ tịch ECB và là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm giữ chức vụ này.

Dưới sự dẫn dắt bà Lagarde, ECB đã tiếp tục duy trì chính sách lãi suất âm từ thời cựu Thống đốc Draghi, đồng thời triển khai chương trình thu mua trái phiếu khẩn cấp, ứng phó dịch COVID-19 (gọi tắt là PEPP) có qui mô lên tới 750 tỉ EUR trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế khu vực.

Jane Fraser – CEO Citigroup Inc

200910-jane-fraser-ew-1102a_93d96b62877506c4767afe48ed6fd5ef.fit-760w.jpg

Jane Fraser – CEO Citigroup Inc. (Ảnh: NBC)

Jane Fraser sinh năm 1967, tại Anh. Bà hiện là Giám đốc điều hành của Citigroup Inc - ngân hàng lớn thứ ba nước Mỹ về giá trị tài sản

Bà Jane Fraser được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Citigroup Inc thay ông Michael Corbat vào ngày 10/9/2020, và là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một ngân hàng lớn trên phố Wall.

Việc bổ nhiệm bà Fraser là điều đã được dự đoán trước, khi bà được giữ chức Chủ tịch Doanh nghiệp Ngân hàng tiêu dùng toàn cầu của Citigroup vào năm ngoái, điều được xem là hướng đi đúng đắn cho lĩnh vực ngân hàng với không nhiều phụ nữ giữ các vị trí cao nhất.

Bà Fraser bắt đầu sự nghiệp ở tuổi 20 tại Goldman Sachs, với công việc trong mảng thâu tóm và sáp nhập tại London và sau đó làm việc cho Asesores Bursátiles tại Madrid.

Fraser gia nhập Citigroup 18 năm trước và được đánh giá cao trong việc góp phần đưa ngân hàng này vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, khi phải nhận 45 tỷ USD tiền cứu trợ.

Trong nhiều năm, bà đã phụ trách chiến lược khách hàng của mảng ngân hàng đầu tư của Citigroup cũng như ngân hàng tư, mảng kinh doanh thế chấp và các hoạt động tại Mỹ Latinh của ngân hàng này, khu vực chiếm 14% doanh thu năm 2019.

Anne Finucane - Phó Chủ tịch Bank of America

180411-anne-finucane-se-1225p_2d27e920de5ef489db6932b679aa03cc.fit-1240w.jpg

Anne Finucane - Phó Chủ tịch Bank of America (Ảnh: NBC)

Anne Finucane bắt đầu làm việc trong ngành ngân hàng từ năm 1995 khi gia nhập Fleet Financial - công ty sau đó sáp nhập với BankBoston, trở thành một phần của Bank of America - ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ về giá trị tài sản.

Anne Finucane hiện cũng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch hội đồng quản trị của Bank of America Europe, và là thành viên của ban điều hành - đơn vị chịu trách nhiệm về chiến lược kinh doanh của Bank of America.

Ngoài lĩnh vực kinh doanh, bà cũng rất tích cực trong các hoạt động cộng đồng. Finucane tham gia nhiều công ty và tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ cũng như trên thế giới như Sáng kiến Tài chính Doanh nhân Nữ, Bảo tàng và Đài tưởng niệm Quốc gia 11/9,...Bà cũng phục vụ trong ban Chính sách Đối ngoại của Bộ Ngoại giao Mỹ và là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Finucane từng nhận nhiều giải thưởng về danh giá trong ngành tài chính và cống hiến vì cộng đồng.

Bà thường xuyên có tên trong danh sách Những người phụ nữ quyền lực nhất của Forbes và Fortune và Top 25 Phụ nữ quyền lực nhất trong lĩnh vực ngân hàng của American Banker.

Năm 2019, Finucane từng được đề cử có tên trong Đại lộ danh vọng của Mỹ và nhận giải Lãnh đạo truyền cảm hứng của Viện Edward M. Kennedy.

Alison Rose - CEO RBS

Rose.jpg

Alison Rose - CEO Ngân hàng Hoàng gia Scotland. (Ảnh: NBC)

Alison Rose sinh năm 1969 tại Anh, hiện là Giám đốc điều hành của Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) - một trong bốn ngân hàng hàng đầu của Anh – bao gồm Barclays, HSBC, Lloyds Banking Group và RBS.

Bà được bổ nhiệm làm thành viên ban điều hành của RBS vào ngày 27/2/2014. Vào tháng 10/2014, với tư cách là giám đốc ngân hàng thương mại và tư nhân của RBS, bà đã công bố một kế hoạch nhằm tạo điều kiện giúp nhân viên nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo cấp cao tại ngân hàng.

Alison Rose được bổ nhiệm là người đứng đầu RBS vào 1/11/2019, qua đó giúp bà trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của một ngân hàng lớn ở Anh.

Bà Rose, một người ủng hộ bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh doanh, đã vươn lên vị trí lãnh đạo trong ngành ngân hàng- một lĩnh vực vốn thường do nam giới "thống trị" - sau 27 năm làm việc cho RBS.

Quốc Thụy