|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những giấc mơ bằng giấy

20:57 | 27/11/2016
Chia sẻ
Ở Sài Gòn, những ai đi từ quận 1 qua cầu Ông Lãnh đổ xuống đường Hoàng Diệu (quận 4) vào tầm năm sáu giờ chiều hàng ngày sẽ thấy một đám đông người đứng chờ kết quả xổ số liên tỉnh để rồi sau đó là hàng trăm tờ vé số không trúng giải bị xé bay tan tác từ vỉa hè xuống lòng đường. Khu vực này tập trung một số cửa hàng đại lý vé số của các công ty xổ số các tỉnh phía Nam nên luôn tấp nập vào chiều muộn mỗi ngày.

Ai mua vé số? Nếu quan sát bạn sẽ thấy đó là những người trông khá bình dân, ăn mặc xuề xòa, đi xe máy hay đi bộ, nét mặt họ cũng biểu thị cảm xúc khá tương đồng: từ háo hức, trông chờ rồi đến lắc đầu thất vọng, quăng tờ vé số, phủi tay leo lên xe đi tiếp...

Theo báo cáo của Hội đồng Xổ số Kiến thiết khu vực miền Nam, từ tháng 1 đến tháng 9-2016, doanh số phát hành của 21 công ty xổ số kiến thiết là 63.380 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu tiêu thụ lên đến 50.635 tỉ đồng, đạt gần 80% trên tổng lượng vé số phát hành. Người mua chủ yếu ở các tỉnh miền Tây và TPHCM.

Có biết bao lý do để người miền Tây nói riêng và người miền Nam mua xổ số, người hy vọng đổi đời, người “nuôi” vận may, người muốn giúp người khác, người nghiện cảm giác đọ vé số... Âm thầm phía sau những tờ vé số, là khao khát sau một đêm mình vượt lên trên người khác, với tới một cuộc đời khác mà không cần phải lao động hay cố gắng vất vả tốn công sức.

Tổng số tiền trả thưởng trong chín tháng đầu năm nay của 21 công ty xổ số kiến thiết khu vực miền Nam là 24.533 tỉ đồng, tức khoảng 50% doanh thu bán ra. Nghe thì rất cao, song với cơ cấu giải thưởng thì số người trúng số theo khảo sát của các công ty xổ số chỉ chiếm khoảng 8-9% tổng số người mua vé số. Tức trong 100 người mua vé số thì có 8 hay 9 người có cơ may trúng số và đa số là những giải thưởng giá trị nhỏ, ở chuỗi giải ba, giải tư tới giải khuyến khích.

Nếu lấy con số doanh thu trên 50.000 tỉ đồng của 21 công ty kể trên trong chín tháng qua để làm một phép tính nhẩm thì có thể ước tính mỗi năm người dân đã bỏ ra khoảng 66.000 tỉ đồng, tương đương 3 tỉ đô la Mỹ để mua vận may, đó là còn chưa tính đến doanh thu của các công ty xổ số kiến thiết khu vực miền Bắc, miền Trung và Vietlott.

Một con số khổng lồ và nhức nhối. Nó không phải chỉ là một vấn đề kinh tế mà còn là tấm gương phản chiếu một vấn đề xã hội lớn.

Ba tỉ đô la Mỹ, con số này bằng tổng chi phí trang trải hàng năm cho hơn 110.000 du học sinh Việt Nam tại 47 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới mỗi năm, theo khảo sát của Ngân hàng HSBC Việt Nam; bằng hơn một phần tư tổng nguồn ngân sách dành cho giáo dục đào tạo năm 2015 là 224.826 tỉ đồng (chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách nhà nước); tương đương một phần tư tổng chi cho y tế cả nước năm 2016 (gần 13 tỉ đô la Mỹ).

Một so sánh có thể là khập khiễng nhưng gợi ra một vấn đề suy nghĩ. Đó là, thống kê chưa chính thức cho thấy, tổng số vốn các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam đã kêu gọi vốn và gọi được vốn trên cả nước hiện chưa tới 1.000 tỉ đồng. Tất nhiên, nhiều người sẽ nói bỏ tiền ra đầu tư vào startup có tỷ lệ thành công, thất bại nhất định, khác gì mua vé số. Cứ giả định tỷ lệ này là 25%, tức là bốn dự án thì có một dự án thành công thì xác suất có lời đã cao hơn xác xuất trúng vé số rất nhiều.

Huy động tiền lẻ cho các dự án kinh doanh khởi nghiệp đã được thế giới làm từ lâu. Các trang web như indiegogo, gofundme, kickstarter là nơi người khởi nghiệp có thể rao bán các ý tưởng của mình và nhận tiền góp vốn ban đầu từ cộng đồng. Ví dụ, một người giới thiệu mình đang có ý tưởng viết một cuốn tiểu thuyết có nội dung xyz trong 10 tháng, giá bán sách dự kiến là 2 đô la Mỹ. Nên để có tiền sống và viết sách, anh ta cần huy động từ 1.000 người, mỗi người 2 đô la từ bây giờ và sau 10 tháng sẽ trả mỗi người 1 cuốn tiểu thuyết.

Kết quả là người đó đã nhận đủ tiền và hoàn tất cuốn tiểu thuyết của mình. Trên các trang web này mỗi ngày vẫn có hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp kêu gọi vốn như vậy.

Ở xứ mình, những người mua vé số ngoài kia có sẵn lòng bỏ tiền đầu tư như vậy không? Tất nhiên sẽ có người trả lời việc tìm vốn như trên chỉ có thể thành công ở nền văn hóa trình độ cao và khác xa so với nhận thức của đa số người Việt Nam. Nhưng nói ra để thấy những đồng tiền lẻ khi đặt đúng chỗ có giá trị hơn rất nhiều.

Cũng theo báo cáo của Hội đồng Xổ số Kiến thiết miền Nam, các công ty xổ số đã nộp ngân sách nhà nước 17.283 tỉ đồng, tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm 2015 và đạt gần 94% kế hoạch năm 2016. Tổng lợi nhuận từ vé số kiến thiết ở miền Nam từ tháng 1 đến tháng 9-2016 là 6.603 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2015 và đạt 94% kế hoạch năm 2016.

Nhiều người sẽ nói các công ty xổ số đã làm tốt bổn phận kinh doanh và đóng thuế của mình. Đành là vậy nhưng nhìn sâu vào con số 3 tỉ đô la Mỹ và tỷ lệ nộp vào ngân sách, liệu chúng ta có nên cho rằng như vậy là tốt? Có nên tiếp tục cách suy nghĩ như vậy hay không? Cần làm gì để thay đổi tâm lý đánh quả, văn hóa đổi đời “cái rụp” thay vì khuyến khích thái độ lao động cần mẫn và chân chính của người dân mà đa số là người thu nhập trung bình và thấp? Đó có phải là thái độ đúng về lao động và giá trị cần cổ vũ hay không?

Với những câu chuyện mới xuất hiện đang được bàn tán xôn xao ở biết bao ngôi nhà, ngõ xóm về những người may mắn trúng số độc đắc kiểu Mỹ hàng chục tỉ đồng, rồi đây sẽ có thêm nhiều người gom tiền mua vé số, ôm ấp những giấc mơ bằng giấy! Cùng với cái phao sổ xố kiến thiết, bây giờ người ta lại có thêm cái phao “vé số kiểu Mỹ” để bám vào, để mơ về một tương lai giàu có! Nền công nghiệp vé số có nên tiếp tục được khuyến khích? Ai xót xa cho những đồng tiền không được đặt đúng chỗ, những tờ vé số bị xé tả tơi bay dọc các nẻo đường cuối mỗi buổi chiều?

Hồng Phúc