Những điểm đáng chú ý trong hiệp định FTA Nhật Bản - Anh
Chính phủ Anh nói rằng bản FTA với Nhật Bản sẽ “đảm bảo những chiến thắng to lớn mà nước Anh không thể đạt được nếu còn là một phần của Liên minh châu Âu (EU)”, mặc dù nội dung của Hiệp định trên phần lớn giống với FTA giữa EU và Nhật Bản hiện tại.
Bản FTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 1/2021 sau khi được các nhà lập pháp ở cả hai nước phê chuẩn. Với hiệp định trên, nước Anh hi vọng sẽ đưa kim ngạch thương mại với Nhật Bản lên khoảng 20 tỉ USD.
Khi hiệp định được công bố vào tháng trước, Chính phủ Anh cho biết điều đó đồng nghĩa là khoảng 99% hàng hóa xuất khẩu của họ sang Nhật Bản sẽ được miễn thuế. Theo Hiệp định Thương mại Tự do EU-Nhật Bản hiện tại (có hiệu lực từ tháng 2/2019), phần lớn các loại thuế quan cũng không còn bị áp đặt.
EU cho biết với hiệp định trên, hoạt động xuất khẩu thịt của khối này sang Nhật Bản đã tăng 12%, trong khi xuất khẩu máy móc điện tăng 16,4%.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi ngày 23/10 cũng cho hay nước này đã duy trì khả năng tiếp cận thị trường Anh ở mức cao tương tự như FTA Nhật Bản - EU. Còn đối với một số sản phẩm như toa tàu và linh kiện ô tô, bản FTA mới cũng cải thiện khả năng tiếp cận của Nhật Bản vào thị trường Anh.
Ngoài ra, FTA giữa Anh – Nhật Bản đặc biệt tập trung vào xuất khẩu thực phẩm và đồ uống, tài chính và công nghệ, nhằm giảm những giới hạn đối với người chăn nuôi và sản xuất thịt lợn, thịt bò và cá hồi của nước Anh.
Hiệp định cũng bao gồm các điều khoản bảo vệ thương hiệu cho hàng hóa Anh, bao gồm rượu vang sủi, pho mát Yorkshire Wensleydale và thịt cừu xứ Wales.
Đổi lại, Chính phủ Anh cho biết người tiêu dùng nước này sẽ có thể mua hàng hóa Nhật Bản chất lượng cao, rẻ hơn - từ mì udon đến cá ngừ vây xanh và thịt bò Kobe. London cho biết hiện có 241 doanh nghiệp Anh trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản và 693 doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản.
Bên cạnh đó, FTA Nhật Bản – Anh có thêm các điều khoản mới về thương mại điện tử nhằm mục đích kiểm soát luồng dữ liệu, bên cạnh những thay đổi khác.
Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh, bà Liz Truss cho biết hiệp định thương mại mới không chỉ bảo toàn những lợi ích hiện có mà còn hướng đến các dịch vụ như kĩ thuật số và dữ liệu, nơi cả Vương quốc Anh và Nhật Bản đều có thế mạnh và hy vọng sẽ tăng cường hợp tác trong tương lai. Vương quốc Anh hi vọng thỏa thuận này sẽ giúp các công ty cung cấp dịch vụ - từ tài chính đến viễn thông và vận tải - tiếp cận thị trường Nhật Bản.
Trong khi một số nhà phân tích nghi ngờ về những ảnh hưởng của các điều khoản kĩ thuật số mới, các doanh nghiệp Anh đã hoan nghênh bản FTA mới này. Bà Carolyn Fairbairn, Tổng giám đốc của Liên đoàn Công nghiệp Anh, gọi đây là một "thời điểm đột phá".
Theo số liệu thống kê của Chính phủ Anh, Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch thương mại của nước này vào năm ngoái, tương đương với Na Uy.
Nhưng thỏa thuận này có thể đóng vai trò là cầu nối để Vương quốc Anh tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một thỏa thuận thương mại tự do giữa 11 quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Canada (Ca-na-đa), Mexico (Mê-hi-cô), Peru (Pê-ru), Chile (Chi-lê), New Zealand (Niu Di-lân), Singapore (Xin-ga-po), Brunei (Bru-nây), Malaysia (Ma-lai-xi-a), Việt Nam và Australia (Ôx-trây-li-a).
Bộ trưởng Truss cho biết FTA này "mở đường" cho nước Anh tham gia CPTPP, nhưng đây có thể là một quá trình phức tạp sẽ mất nhiều năm.