Nhờ đâu khu Đông Sài Gòn vượt lên dẫn đầu thị trường trong 5 năm qua?
Tại Hội thảo dành cho các nhà đầu tư cá nhân mà CBRE tổ chức ngày 9/1 tại TP HCM, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam có bài trình bày về thực trạng thị trường bất động sản khu Đông TP HCM, nguyên nhân phát triển và những tiềm năng của khu vực này trong tương lai.
Theo đại diện CBRE, khu Đông được đề cập đến tại đây bao gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức và quận Bình Thạnh.
Thị trường dẫn đầu khu Đông là quận 2, chia thành 4 khu: Thảo Điền, An Phú, Thủ Thiêm và Thạnh Mỹ Lợi. Trong đó, khu Thảo Điền đã có thời gian phát triển rất dài, chiếm thị phần lớn nhất về số lượng căn hộ chào bán ra thị trường và đây cũng là nơi có giá bán dẫn đầu với những lợi thế như giáp bờ sông, cảnh quan đẹp và hệ thống tiện ích đã có sẵn, hoàn thiện… Tuy nhiên, khi Thảo Điền và An Phú cạn dần quỹ đất thì các chủ đầu tư muốn gia nhập quận 2 sẽ phải di chuyển dần sang hai khu còn lại là Thủ Thiêm và Thạnh Mỹ Lợi.
“Trong khi nguồn cung các khu vực khác tăng khá ổn định trong năm 2018 thì riêng khu Đông lại có sự khan hiếm nguồn hàng nhất định, đặc biệt là vào khoảng cuối năm 2018 khi hàng loạt dự án tại đây bị chậm triển khai theo kế hoạch. Điều này dẫn đến nguồn cung căn hộ tại khu Đông năm 2018 giảm 33% so với năm 2017, kéo theo số căn bán được cũng giảm 30%”, bà Dung cho biết.
Trong khi đó, mức tăng giá bất động sản ở quận 2 nói riêng và khu Đông nói chung luôn dẫn đầu thị trường. Khác với toàn thị trường, 80% các dự án chào bán ở khu Đông là thuộc phân khúc cao cấp (giá bán từ 1.500 – 3.500 USD/m2), 4 năm gần đây hầu như không có dự án bìn dân nào được chào bán ở đây. Trừ quận 1 thì giá bán nhà ở tại khu Đông đang dẫn đầu thị trường TP HCM, mức tăng giá nhà trung bình năm 2018 của TP HCM là 2 – 3%, nhưng riêng khu Đông lại có mức tăng giá căn hộ trung – cao cấp 10 – 12%/năm.
“Tùy theo từng dự án với tốc độ bán hàng khác nhau mà chủ đầu tư tăng giá 5 - 10% trong những đợt mở bán sau, cá biệt có dự án tăng 15 - 20%. Thời gian chào bán các giai đoạn sau thường chỉ 3 - 6 tháng, lâu nhất là 2 năm nhưng giá bán luôn tăng so với thời điểm chào bán ban đầu”, bà Dung nói.
Theo bà, lý do chính đẩy giá đất khu Đông lên là do quy hoạch hạ tầng của thành phố xác định ưu tiên phát triển ở khu Đông và khu Nam. Cụ thể có hai mốc quan trọng. Năm 2013, dự án metro lần đầu tiên được khởi công, những đoạn tuyến đầu tiên của dự án mọc lên và đi qua khu vực quận 2. Từ đây nhà đầu tư cá nhân mới quan tâm đến các dự án dọc tuyến metro, số dự án chào bán tăng đột biến. Đến năm 2015, tốc độ thi công metro nhanh chóng khiến chủ đầu tư tự tin hơn, 2015 -2016 là những năm đỉnh cao về tốc độ chào bán dự án mới ở khu Đông.
Trong khi đó, quỹ đất tại khu Đông Sài Gòn không còn dồi dào khiến khách hàng khó có khả năng tìm được mặt hàng ưng ý. Ngoài ra, việc triển khai dự án mới gần đây không dễ dàng, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong 2019 và những dự án nào đang chào bán được cho là có lợi thế tốt để đưa ra mức giá cao trên thị trường.
Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam dự báo, nguồn cung nhà ở tại khu Đông sẽ tiếp tục tăng trong năm 2019, nguồn cung này sẽ chiếm 61% lượng chào bán của toàn thị trường, tốc độ tiêu thụ cũng có thể đạt mức 60%. Nguồn cung năm sau tăng là bởi những dự án đã bị chậm triển khai trong năm 2018 sẽ được đẩy nhanh trong 2019, trong số đó có nhiều dự án cung ứng cho thị trường từ 10.000 – 20.000 căn hộ.
“Năm 2019, việc cấp phép dự án có thể diễn ra chậm hơn, đây là khó khăn chung của toàn thị trường. Tuy nhiên, bất động sản khu Đông sẽ có nhiều tín hiệu tích cực như: tuyến metro số 2 đi qua Thủ Thiêm sẽ tái khởi động; phân khúc cao cấp sẽ cho ra nhiều sản phẩm căn hộ có diện tích lớn hơn đáp ứng nhu cầu của khách hàng; người nước ngoài ngày càng quan tâm đến bất động sản Việt Nam và tôi tin các sản phẩm của khu Đông sẽ phù hợp với nhu cầu của họ hơn cả, bởi giá bán nhà ở Việt Nam rất vừa túi tiền khách ngoại rồi, vấn đề chủ yếu là chất lượng sản phẩm mà thôi…”, bà Dung nhận định.