|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế muốn tham gia thị trường Việt Nam

22:30 | 16/04/2021
Chia sẻ
Đó là thông tin được ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết tại Hội thảo Phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức tại TP HCM ngày 16/4.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, hoạt động xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. 

Thông qua việc xác định hệ số tín nhiệm, nhà đầu tư có thêm thông tin để đánh giá khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ của đối tượng được định mức tín nhiệm, của sản phẩm tài chính được định mức tín nhiệm, cũng như những rủi ro có liên quan. 

Đây cũng là cơ sở để các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi các quy định về an toàn vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam được đánh giá có mức tăng trưởng nhanh trong khu vực. Khi thị trường trái phiếu doanh bắt đầu bước sang giai đoạn phát triển ở cấp độ cao hơn, đòi hỏi phải thành lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín, nhằm góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường.

Theo quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Tài chính sẽ xem xét, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho tối đa 5 doanh nghiệp. Đến nay, đã có 2 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và đang triển khai cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường.

Nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế muốn tham gia thị trường Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Dương phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Báo Hải quan).

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ cũng đã nhận được đề nghị quan tâm của một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín và sẽ xem xét, thẩm định theo đúng quy định của pháp luật.

“Chúng tôi đã làm việc với một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín quốc tế để cung cấp thông tin về thị trường Việt Nam, giúp họ có cái nhìn tổng quan cũng như xem xét khả năng tham gia trong thời gian tới. 

Nếu có thêm các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín tham gia, sẽ thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển và thêm nhiều cơ hội thu hút nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nguyễn Hoàng Dương nói.

Trao đổi với báo chí, ông Donald Lambert, Giám đốc phát triển khu vực tư nhân tại Việt Nam, Ngân hàng ADB cho biết, các tổ chức các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm trong nước sẽ được hỗ trợ nâng cao năng lực khi thị trường có sự tham gia của các tổ chức xếp hạng quốc tế uy tín. 

Đây là việc làm cần thiết để hướng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam tiệm cận với chuẩn quốc tế, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn của Việt Nam phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Theo ông Donald Lambert, hoạt động xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường tài chính. Các báo cáo tài chính chỉ giúp đánh giá về doanh nghiệp trong ngắn hạn, trong khi xếp hạng tín nhiệm sẽ mang lại cái nhìn bao quát về dài hạn đối với doanh nghiệp đó.

Ở thời điểm hiện nay, hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam được đánh giá vẫn còn rất hạn chế. Nhà đầu tư cũng chưa có thói quen lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm. Do vậy, các giải pháp thúc đẩy hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm là một trong những nội dung quan trọng sẽ được ngành tài chính xác định tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Để phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Trong đó, quy định đầy đủ các nội dung về tổ chức hoạt động, cung cấp dịch vụ, công bố thông tin của tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản hướng dẫn cũng đã có quy định cụ thể về các trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng phải được xếp hạng tín nhiệm và lộ trình thực hiện. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sử dụng dịch vụ này, nhằm tăng tính công khai, minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu gắn các quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm với các quy định về phân loại, tiêu chí đầu tư đối với một số tổ chức tài chính đặc thù hoặc sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi tính các chỉ tiêu an toàn vốn, tài sản của các tổ chức trên thị trường tài chính.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế tiếp tục tổ chức các hội thảo để tuyên truyền, đào tạo thị trường. Từ đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu, hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm trên thị trường.

H. Chung