|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều thành phố lớn đưa ra các sáng kiến cải thiện chất lượng không khí

02:10 | 12/10/2019
Chia sẻ
Trong nỗ lực cải thiện môi trường đô thị và chống lại tình trạng biến đổi khí hậu, nhiều thị trưởng trên khắp thế giới đã cam kết tăng cường chất lượng không khí thông qua hàng loạt sáng kiến mới.
Nhiều thành phố lớn đưa ra các sáng kiến cải thiện chất lượng không khí - Ảnh 1.

Có đến hơn 90% người dân thế giới phải hít thở không khí ô nhiễm, dẫn đến bệnh tật và tử vong. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 90% người dân thế giới phải hít thở không khí ô nhiễm, dẫn đến bệnh tật và tử vong. Do đó, lãnh đạo hơn 90 thành phố đại diện cho 700  triệu dân và 1/4 kinh tế toàn cầu đã nhóm họp tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch để thúc đẩy các hành động về khí hậu.

Hội nghị trên diễn ra vài ngày sau khi những người biểu tình ở nhiều nơi trên thế giới bắt đầu xuống đường tuần hành hòa bình trong 2 tuần nhằm kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu. 

Phát biểu tại Hội nghị các thị trưởng thế giới C40 tại Copenhagen, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nêu rõ không khí ô nhiễm đã cướp đi sinh mạng của 7 triệu người/năm, chủ yếu là tại các thành phố, góp phần dẫn đến tình trạng khí hậu khẩn cấp toàn cầu.

Trước thực trạng này, các thị trưởng đã đưa ra nhiều sáng kiến mang tính khuyến khích hoặc răn đe để thúc đẩy sự thay đổi trong cộng đồng. Từ Los Angeles, Mỹ đến Tokyo, Nhật Bản, đã có 34 thành phố cam kết đáp ứng chất lượng không khí ở mức tổi thiểu của WHO vào năm 2030. Ước tính điều này có thể cứu được 40.000 người/năm.

Thị trưởng London nhấn mạnh ô nhiễm môi trường là cuộc khủng hoảng toàn cầu, và trách nhiệm của người đứng đầu các thành phố là bảo vệ người dân khỏi các tác nhân gây hại sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí.

Theo số liệu chính thức, hơn 2 triệu người dân đang sống tại các khu vực có mức ô nhiễm không khí cao ở thành phố London. Để cải thiện tình hình, thành phố đã giới thiệu Vùng khí thải siêu thấp đầu tiên trên thế giới, khi yêu cầu toàn bộ các xe phải đáp ứng tiêu chuẩn ngặt nghèo hoặc phải trả phí để vào đây.

Trong khi đó, thị trưởng thành phố Lisbon, ông Fernando Medina xác nhận thủ đô của Bồ Đào Nha đã áp dụng giảm giá vé một chiều vào tháng 4 vừa qua, qua đó giúp tăng tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng lên 30%. Chính quyền cũng tăng không gian xanh trong thành phố khi có thêm 200 sân bóng được xây thêm.

Về phần mình, Thị trưởng thành phố Milan của Italy, Giuseppe Sala lại thiết lập môt khu phát thải thấp và lên kế hoạch chuyển hoàn toàn sang dùng xe buýt hoặc xe điện trong 7 năm tới.

Theo LHQ, các thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế toàn cầu ấm lên khi chiếm tới 3/4 lượng khí phát thải và tiêu thụ hơn 2/3 năng lượng toàn cầu. Các công nghệ như xe buýt điện có thể giúp giảm tới hơn nửa lượng khí thải cần thiết để duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đặng Ánh