Nhiều Sở kiểm điểm sau thanh tra vi phạm đất rừng Sóc Sơn
Trong kết luận thanh tra thành phố Hà Nội công bố tháng 3/2019, có hàng nghìn công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn. Chỉ hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.
Trả lời cử tri về việc xử lý những cá nhân, đơn vị, Sở ngành liên quan đến những vi phạm này, UBND TP Hà Nội cho biết, nhiều nội dung xử lý sau thanh tra đã được thực hiện.
Nhiều công trình được xây dựng tại khu vực rừng Sóc Sơn. Ảnh: Gia Chính.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã kiểm điểm trách nhiệm của Sở và trách nhiệm của giám đốc Chu Phú Mỹ, phó giám đốc Nguyễn Xuân Đại và "nhất trí không thi hành kỷ luật" với hai ông. Tuy nhiên, sau hai lần kiểm điểm Sở đã đề xuất thành phố quyết định cảnh cáo giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và 5 vị trí là Phó Giám đốc Sở phụ trách, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và Viễn thám, Chi cục Trưởng Chi cục quản lý đất đai, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã kiểm điểm rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Bên cạnh đó, Sở đã cảnh cáo Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đại chi nhánh huyện Sóc Sơn Vũ Thị Bích Thủy. Bốn cá nhân thuộc đơn vị này được yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Đối với Sở Xây dựng, đơn vị này đã chỉ đạo và tổ chức kiểm điểm về chính quyền và về Đảng đối với tập thể Thanh tra Sở, chi bộ Thanh tra Sở với hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm và nghiêm khắc phê bình 7 cá nhân ( một Phó Chánh Thanh tra Sở, 6 Trưởng phòng, phó phòng, công chức phòng Kế hoạch tổng hợp).
UBND huyện Sóc Sơn đã thành lập Hội đồng kỷ luật để tiến hành xem xét, đề xuất hình thức kỷ luật đối với 39 cán bộ, công chức có vi phạm.
Kết quả kiểm điểm về chính quyền: 29 trường hợp khiển trách; Cảnh cáo 7 trường hợp; Cách chức 1 trường hợp thuộc diện Ban thường vụ Huyện ủy quản lý và buộc thôi việc 2 công chức, lao động hợp đồng.
Đã xem xét trách nhiệm đối với 82 đảng viên. Trong đó có hình thức kỷ luật 38 người (cách hết các chức vụ trong Đảng 3 cán bộ; cảnh cáo 9 cán bộ; khiển trách 26 cán bộ), còn 44 trường hợp kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Huyện Sóc Sơn đã tổ chức cưỡng chế một số công trình vi phạm trên đất rừng. Ảnh: Võ Hải.
Tập thể lãnh đạo UBND huyện đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo UBND huyện các nhiệm kỳ ( 2006-2011; 2011-2016, 2016-2021) và các Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện của 3 nhiệm kỳ trên. UBND TP Hà Nội đã quyết định khiển trách ông Đỗ Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện.
Ban thường vụ Huyện ủy đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban thường vụ Huyện ủy 3 nhiệm kỳ (2005-2010; 2010-2015, 2015-2020) và các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trách nhiệm liên quan trong 3 nhiệm kỳ trên.
Ủy ban kiểm tra Thành ủy đã có các Quyết định xử lý kỷ luật đối với 3 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý, trong đó khiển trách một cán bộ, cảnh cáo hai người khác.
Tuy nhiên, báo cáo của thành phố cũng cho biết còn một số nội dung các đơn vị liên quan chưa thực hiện xong như cưỡng chế công trình sai phạm, rà soát quy hoạch, việc cấp giấy chứng nhận...
Cụ thể, huyện Sóc Sơn chưa xử lý 32/68 công trình vi phạm năm 2017, 2018 chưa tổ chức cưỡng chế, trong đó 25 trường hợp tại xã Minh Trí có đơn thư khiếu nại. Thanh tra chính phủ có văn bản đề nghị tạm dừng việc cưỡng chế và thụ lý giải quyết đơn.
Đối với 215 công trình vi phạm phát sinh trong giai đoạn từ 2008 đến 2016, huyện đã xây dựng kế hoạch giao cho các ngành và các xã tiếp tục kiểm tra, rà soát để đề xuất phương án xử lý, khắc phục.
Huyện Sóc Sơn cũng chưa hoàn thành kiểm tra, rà soát các trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong quy hoạch rừng trên địa bàn thị trấn Sóc Sơn và 10 xã.
Sở Tài nguyên Môi trường chưa hoàn thành xong Dự án xây dựng tổng thể hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai thành phố Hà Nội...
Năm 2006, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn và 9 xã như Minh Phú, Minh Trí, Hiền Ninh, Phù Linh... Tại khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn, cơ quan chức năng thống kê có hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 hecta.
Tiếp đó, từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2018, qua kiểm tra 28 trường hợp ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí, nhà chức trách đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 12 trường hợp "tự ý chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp mà không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép".
Tháng 10/2018, TP Hà Nội tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng từ năm 2008 đến nay tại xã Minh Trí và Minh Phú. Chính phủ cũng yêu cầu TP Hà Nội thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 8 xã và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn.
Cuối tháng 3/2019, thành phố công bố kết luận thanh tra, trong đó chỉ ra hàng nghìn công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn. Chỉ hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.