Nhiều ngân hàng cho Phạm Công Danh vay trăm tỷ, nghìn tỷ
Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng đã diễn ra được 3 tuần. Trong vai trò là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan, các ngân hàng, công ty tài chính là những chủ nợ của Tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh khi được phát biểu đồng loạt yêu cầu Tòa trả lại tài sản kê biên cho họ để họ xử lý.
Từ thông tin này cho thấy, một số ngân hàng đang là chủ nợ lớn của Phạm Công Danh.
Được biết, để đảm bảo cho việc khắc phục hậu quả, các cơ quan tố tụng đã kê biên nhiều tài sản có giá trị, trong đó có 124 sổ tiết kiệm trị giá 5.881 tỷ đồng của bà Trần Ngọc Bích; 37 bất động sản của Phạm Công Danh hoặc thuộc sở hữu của các công ty thuộc tập đoàn Thiên Thanh đang là tài sản đảm bảo tại một số ngân hàng như Phương Nam; Agribank Tân Phú; Agribank Láng Hạ; Ngân hàng Xây dựng và một số tài sản này dùng để góp vốn với công ty cổ phần PVI. Ngoài ra, xác minh tài khoản của Phạm Công Danh và các công ty của Danh tại Ngân hàng ACB là 3.629 tỷ đồng và số dư còn lại ở VNCB là 1.377 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng cho Phạm Công Danh vay số tiền lớn. |
Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) cho nợ hơn 1.800 tỷ đồng
Theo cáo trạng, tính đến ngày 24/3/2015, Ngân hàng Phương Nam có dư nợ gốc ở nhóm Thiên Thanh và Phạm Công Danh là 1.643 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn là hơn 1.226 tỷ đồng, tổng cộng hơn 1.800 tỷ. Các khoản nợ đều có tài sản đảm bảo.
Trong đó, 2 căn nhà ở cư xá Lữ Gia (TP.HCM) có giá lần lượt là 8,8 tỷ đồng và 11 tỷ đồng. Hai căn nhà này đều thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) để đảm bảo cho khoản vay 16 tỷ đồng của Công ty Phước Đại (do Danh thành lập, thuê người đứng tên Giám đốc), đến nay, cộng thêm tiền lãi phát sinh thì khoản nợ lên đến 30,6 tỷ đồng. Sacombank đã khởi kiện ra về hợp đồng tín dụng ra TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) nhưng tài sản bảo đảm cho hợp đồng tín dụng này lại đang kê biên trong vụ án.
Còn có 2 tài sản khác là thửa đất, nhà ở quận 11 đứng tên ông Danh và vợ là bà Quách Kim Chi; thửa đất ở quận Tân Phú thuộc sở hữu của ông Danh. Hai tài sản này đã được Ngân hàng Phương Nam nhận thế chấp để đảm bảo cho 2 khoản vay 592 tỷ đồng và 50 tỷ đồng của Công ty quốc tế Thiên Thanh.
Phương Nam cũng còn khoản tín dụng 401 tỷ đồng liên quan đến đất ở quận 10 TP.HCM; 57 tỷ đồng liên quan đến tài sản thế chấp là nhà ở Quảng Nam; 80 tỷ đồng liên quan đến các bất động sản ở TP Đà Nẵng.
Với các tài sản trên, đại diện Sacombank đều đề nghị tòa hủy bỏ lệnh kê biên, giao cho ngân hàng quản lý và xử lý theo hợp đồng tín dụng kèm theo.
VNCB còn dư nợ 6.667 tỷ đồng ở nhóm Thiên Thanh
Theo đại diện Ngân hàng Xây dựng (VNCB), tổng dư nợ của nhóm Thiên Thanh với ngân hàng hiện làm tròn là 6.667 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 4.700 tỷ. 12 công ty của Phạm Công Danh đã thế chấp lô đất ở 209 Trường Chinh và 13 lô đất sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng để vay số tiền này. Theo định giá của Công ty thẩm định giá Miền Nam thì phần tài sản đảm bảo trị giá là hơn 2.600 tỷ đồng. VNCB yêu cầu Tòa giải tỏa tài sản kê biên để ngân hàng xử lý.
Tuy nhiên, tại tòa, Phạm Công Danh xin được định giá lại và cho biết đã từng có đối tác trả giá 250 triệu USD tương đương hơn 5.000 tỷ. Phạm Công Danh không đồng ý với định giá này và xin Tòa cho gặp người nhà để tìm đối tác bán tài sản này để khắc phục hậu quả vì ông tin sẽ bán được giá cao hơn ngân hàng bán, góp phần tích cực hơn vào việc giải quyết hậu quả. Sau khi được gặp người nhà bàn bán tài sản, Phạm Công Danh cho biết đã có đối tác.
Các tài sản này trước khi được dùng làm tài sản thế chấp để vay vốn ở VNCB đã được dùng để vay BIDV và ngân hàng BIDV định giá lên đến 6.000 tỷ đồng. Khi ấy BIDV cho Thiên Thanh vay 4.700 tỷ và đã tất toán. Còn theo định giá của DATC thì phần tài sản đảm bảo này và các tài sản hình thành trong tương lai lên đến hơn 10.000 tỷ đồng.
Agribank bị nợ gần 500 tỷ
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng là chủ nợ lớn của Phạm Công Danh.
Trong đó chi nhánh Tân Phú cho vay 178 tỷ đồng tính đến thời điểm 20/4/2015 (nợ gốc 159 tỷ), nhưng đến nay theo phía ngân hàng con số đã lên đến 254 tỷ. Tại tòa ngày 4/8, ngân hàng này đề nghị tòa giải tỏa kê biên và phát mãi 2 tài sản thế chấp là 29.000 m2 đất ở Bình Dương (đứng tên Công ty quốc tế Thiên Thanh) và 5.700 m2 ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Hai lô đất trên đã được thế chấp để Tập đoàn Thiên Thanh vay khoản này. Đại diện Agribank đề nghị giải tỏa kê biên để thực hiện thi hành án nhằm trả lại tiền cho Agribank. Số thừa sẽ được Agribank giao lại để thực hiện khắc phục hậu quả vụ án này.
Agribank chi nhánh Láng Hạ trong khi đó cho Phạm Công Danh vay 219 tỷ đồng nợ gốc được đảm bảo bằng 1 lô đất sân vận động Chi Lăng. Con số lãi chưa được đề cập nên không rõ tổng nợ phải đòi là bao nhiêu.
PVI cũng “từng dính” 527 tỷ
Theo cáo trạng, Tập đoàn Thiên Thanh hợp tác đầu tư với Tổng Công ty bảo hiểm dầu khí PVI 527 tỷ đồng, trong đó 450 tỷ đồng gốc và lãi theo thỏa thuận hơn 77 tỷ.
Được triệu tập đến tòa, phía PVI cho biết năm 2011 đã ký hợp đồng tài chính với Thiên Thanh, Thiên Thanh thế chấp cho PVI 3 bất động sản trong vòng một năm để hợp tác đầu tư hơn 450 tỷ đồng. Do tình hình không khả quan nên sau đó hai bên đã chuyển nhượng toàn bộ tài sản. Đến 2014, vụ án bị khởi tố, toàn bộ tài sản bị kê biên. PVI đề nghị Tòa hủy bỏ kê biên để tiếp tục thực hiện thỏa thuận, mọi vấn đề khác đã giải quyết xong.
Nhóm Trần Ngọc Bích – đại chủ nợ của Phạm Công Danh thông qua Trang Phố Núi
Mấu chốt quan trọng trong vụ án này liên quan các khoản tiền của nhóm Trần Ngọc Bích. Tại tòa, bà Bích nói không có mối quan hệ tín dụng với Phạm Công Danh, nhưng bị cáo Danh một mực khẳng định có quan hệ vay mượn, nhóm bà Bích còn giữ cả tài sản của ông Danh và người thân. Phạm Công Danh cũng có bằng chứng cho thấy hai bên có quen biết, qua lại với nhau nhiều thông qua các hình ảnh, video.
Dù các quan hệ vay mượn là thông qua Trang Phố Núi (người đã xuất cảnh), nhưng nhóm Trần Ngọc Bích là chủ nợ lớn của Phạm Công Danh. Theo cáo trạng thì chỉ trong vòng 7 tháng, các khoản vay mượn lên tới tổng cộng hơn 17.700 tỷ đồng. Với các khoản vay này, theo lời khai của người phụ trách tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh thì 1 khoản vay của nhóm Bích, Phạm Công Danh phải trả tới 5 khoản lãi. Số tiền mà Phạm Công Danh từng khai trả lãi ngoài cho nhóm này lên đến 2.500 tỷ đồng.
Giữa hai bên còn một khoản tiền 5.490 tỷ đồng mà theo cáo trạng Phạm Công Danh đã cho rút không có chữ ký tài khoản. Nhóm Trần Ngọc Bích đã khởi kiện VNCB lên tòa về khoản tiền này song Phạm Công Danh cho rằng trong việc vay mượn giữa Danh và bà Bích là quan hệ dân sự, không liên quan đến ngân hàng VNCB.
Phạm Công Danh và người nhà cũng đòi tài sản kê biên
Về phần tài sản bị kê biên, bị cáo Danh thừa nhận toàn bộ là tài sản của vợ chồng ông, dù đứng tên ông hay vợ. Tuy nhiên, bị cáo xin HĐXX xem xét, quá trình phát triển Tập đoàn Thiên Thanh ông đã vay mượn rất nhiều tài sản của gia đình bên vợ. Đối với tài sản bị thu giữ trong người khi bị bắt giữ, Danh khai có 2 kỷ vật của vợ chồng ông đó là chiếc đồng hồ và chiếc nhẫn, ông xin HĐXX xem xét.
Tại tòa, khi được HĐXX cho ý kiến, bà Quách Kim Chi (vợ bị cáo Danh) đồng ý cho các ngân hàng giải chấp các tài sản đang bị kê biên để xử lý theo tinh thần các hợp đồng tín dụng, còn số dư còn lại (nếu có) bà xin giữ lại phần của mình. Riêng 3 tài sản không bị thế chấp nhưng đang bị kê biên, bà Chi xin được giải tỏa kê biên nhận lại tài sản.
Cũng liên quan đến khối tài sản đang bị kê biên, ông Phạm Công Trung (em bị cáo Danh, người đang điều hành Tập đoàn Thiên Thanh) đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên toàn bộ toàn bộ tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh và công ty con Thiên Thanh đang sở hữu đang thế chấp tại các ngân hàng để đảm bảo các khoản vay tín dụng chưa tất toán. Số dư còn lại, ông Trung cũng đồng ý sẽ nộp lại để thi hành án. Đối với 45 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Quảng Ngãi của Công ty Việt Trung đang bị kê biên, tại tòa, ông Trung khẳng định đây là tài sản riêng của công ty mà ông có đến 60% cổ phần nên đề nghị Tòa giải tỏa kê biên trả lại cho công ty.