Nhật Bản: Cửa hàng tiện lợi tìm cách duy trì lợi thế sau 50 năm phát triển
Trong những năm gần đây, thị trường cửa hàng tiện lợi Nhật Bản đã trở nên bão hòa và cạnh tranh ngày càng gay gắt, khiến các nhà khai thác phải tìm kiếm những sản phẩm mới hấp dẫn hơn.
Công ty Seven-Eleven Nhật Bản được thành lập vào tháng 11/1973 và mở cửa hàng tiện lợi đầu tiên tại Nhật Bản tại quận Toyosu (thủ đô Tokyo) vào tháng 5/1974 sau khi đạt được một thỏa thuận cấp phép với Southland - nhà điều hành thương hiệu Seven-Eleven có trụ sở tại Mỹ.
Chủ tịch Seven-Eleven Nhật Bản Fumihiko Nagamatsu cho biết tại một buổi lễ gần đây để kỷ niệm 50 năm thành lập thành lập công ty: “Seven-Eleven, được sinh ra ở Mỹ và phát triển ở Nhật Bản, đã trở thành một sản phẩm của văn hóa Nhật Bản được công nhận trên toàn thế giới.”
Các chuỗi cửa hàng tiện lợi khác như Lawson và FamilyMart bắt đầu hoạt động nhượng quyền ngay sau khi Seven-Eleven thành lập. Ngành này đã mở rộng nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của những khách hàng muốn mua hàng tạp hóa ngoài giờ làm việc của các cửa hàng tạp hóa truyền thống.
Cửa hàng tiện lợi 24 giờ đầu tiên ra đời vào năm 1975, và sản phẩm cơm nắm làm sẵn được tung ra thị trường vào năm 1978 đã vô cùng hút khách vào thời điểm mà cơm nắm được nhiều người coi là món ăn chỉ được làm tại nhà. Năm 1987, các cửa hàng tiện lợi cho phép khách hàng thanh toán hóa đơn tiện ích bằng cách sử dụng chức năng quét mã vạch, và họ bắt đầu lắp đặt máy ATM vào năm 1999, cho phép mọi người đến rút tiền mặt.
Số lượng cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản đã tăng gấp 9 lần từ 6.308 cửa hàng trong năm 1983 lên 58.340 cửa hàng trong năm 2018. Nhưng con số này đã giảm xuống còn 57.544 cửa hàng trong năm 2021, phản ánh sự bão hòa của ngành này, theo dữ liệu từ Hiệp hội nhượng quyền thương mại Nhật Bản.
Tình trạng thiếu lao động cũng trở thành một vấn đề nghiêm trọng, một số chủ cửa hàng tiện lợi phải làm việc nhiều giờ, khiến các nhà điều hành nhượng quyền điều chỉnh giờ mở cửa ngắn hơn để giải quyết vấn đề.
Bên cạnh đó, FamilyMart đã bắt đầu giới thiệu máy tính tiền tự động, nhằm mục đích tăng số lượng cửa hàng không có nhân viên như vậy lên khoảng 1.000 cửa hàng vào năm 2026.
Các chuỗi cửa hàng tiện lợi khác cũng đang nỗ lực để duy trì tính cạnh tranh, chẳng hạn như tung ra thực phẩm đông lạnh và cung cấp các món ăn có thể nấu tại cửa hàng.
Tsuyoshi Yoshikawa, nhà phân tích tại công ty tài chính SMBC Nikko Securities, chỉ ra rằng số lượng khách hàng vẫn chưa quay trở lại mức trước đại dịch. Các cửa hàng tiện lợi hiện phải cạnh tranh để phát triển các sản phẩm hấp dẫn và tăng mức chi tiêu trung bình của khách hàng./.