Nhà Trắng cân nhắc các phương án củng cố nền kinh tế
Các cố vấn của Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc các phương án thúc đẩy tăng trưởng nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục suy yếu. Ảnh: NY Times
Tờ New York Times hôm 19-8 dẫn các nguồn tin nắm rõ vấn đề cho biết các phương án này bao gồm cắt giảm thuế bảng lương (payroll tax) và có thể đảo ngược một số biện pháp áp thuế của Tổng thống Donald Trump nhằm vào hàng hóa Trung Quốc.
Tổng thống Trump tiếp tục quả quyết rằng nền kinh tế Mỹ vẫn cực tốt. Ông và các cố vấn công khai bác bỏ bất kỳ ý kiến nào cho rằng Mỹ đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Nhưng ở hậu trường, đội ngũ quan chức kinh tế của ông đang vạch ra các kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong trường hợp nền kinh tế Mỹ suy yếu.
Một số cố vấn của ông Trump bày tỏ lo ngại về cơn biến động hỗn loạn gần đây của các thị trường tài chính Mỹ và tác động của vòng áp thuế mới của ông nhằm vào hàng hóa Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ tháng tới.
Hôm 19-8, các nhà nghiên cứu của Ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase cho biết các vòng áp thuế của Mỹ nhằm vào 250 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc khiến các hộ gia đình Mỹ tốn kém thêm 600 đô la mỗi năm.
Nếu vòng áp thuế 10% sắp tới nhằm vào 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực đầy đủ vào giữa tháng 12, con số này sẽ tăng lên mức 1.000 đô la/hộ gia đình/năm.
Các quan chức Nhà Trắng đã soạn một kế hoạch nghiên cứu phương án giảm thuế bảng lương để thúc đẩy nền kinh tế bằng cách trực tiếp bơm thêm tiền vào thu nhập của người lao động.
Trong hai năm 2011 và 2012, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã tiến hành cắt giảm thuế bảng lương trong một nỗ lực kích thích đà hồi phục kinh tế yếu ớt sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế kết thúc vào năm 2009.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết giảm thuế bảng lương đang được tính đến nhưng chưa được xem xét vào thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, ít có khả năng ông Trump sẽ đột ngột đảo ngược các biện pháp áp thuế mà ông đã áp vào hàng hóa Trung Quốc. Ông nhiều lần nói rằng các đòn thuế đang khiến Trung Quốc tổn thương và không ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ.
Dù vậy, việc Nhà Trắng thảo luận các phương án kích thích kinh tế bộc lộ rõ mối lo ngại ngày càng gia tăng trong chính quyền về nguy cơ tăng trưởng trì trệ.
Nền kinh tế Mỹ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng kéo dài kỷ lục sang năm thứ 11 nhưng các nhà kinh tế lo ngại cơn suy thoái đang cận kề.
Tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ có phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm khi lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp hơn lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, một tín hiệu cảnh báo kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới.
Ngành sản xuất Mỹ cũng đã rơi vào suy thoái giữa lúc tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Giảm thuế bảng lương sẽ giúp củng cố sức chi tiêu của người dân, vốn được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế Mỹ trong năm nay trong bối cảnh các doanh nghiệp giảm đầu tư vì lo lắng các bất ổn thương mại.
Hiện nay, người lao động Mỹ phải trả thuế 6,2% cho mức thu nhập 132.000 đô la đầu tiên của họ trong một năm và chủ sử dụng lao động đóng thêm 6,2% nữa. Số tiền này được sử dụng cho các chương trình phúc lợi như an sinh xã hội hay chương trình bảo hiểm y tế cho người già Medicare.
Cắt giảm thuế bảng lương sẽ giúp người lao động có thêm tiền nhàn rỗi để chi tiêu, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế.
Giảm thuế bảng lương chỉ là một trong các phương án mà Nhà Trắng nhắm đến. Các cố vấn khác ở Nhà Trắng bao gồm Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, đang thúc đẩy đề xuất cho phép các nhà đầu tư trả thuế thấp hơn đối với các khoản lợi nhuận mà họ kiếm được khi bán các khoản đầu tư.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng đang thúc ép Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhanh chóng giảm thêm lãi suất và triển khai các biện pháp kích thích khác để bơm thêm nhiều tiền hơn vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, kế hoạch giảm thuế bảng lương khó có thể được thông qua tại Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát khi bầu cử tổng thống Mỹ sắp đến gần.
Ngay sau khi giành quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ hồi tháng 1 năm nay, phe Dân chủ bày tỏ lập trường không ủng hộ cắt giảm thêm thuế.
Dù vậy, động thái kêu gọi giảm thuế này có thể giúp tăng thêm sức mạnh chính trị cho ông Trump vì nếu nền kinh tế Mỹ suy yếu, ông sẽ đổ lỗi cho phe Dân chủ vì họ cản nỗ lực thúc đẩy giảm thuế bảng lương của ông.