|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhà đầu tư ôm đất giá cao chật vật thoát hàng

07:56 | 27/06/2022
Chia sẻ
Thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu hạ nhiệt sau giai đoạn tăng nóng khiến giao dịch đứng hình, nhà đầu tư ôm đất không đẩy được hàng.

 Thị trường đất nền Bà Rịa - Vũng Tàu hạ nhiệt. (Ảnh minh họa: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu).

Theo dữ liệu của của Batdongsan.com.vn, trong 5 tháng đầu năm 2022, lượng quan tâm đến đất nền dự án tại Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 34% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức giảm sâu nhất trong số các loại hình bất động sản chính ở địa phương này.

Tuy nhiên, mức giá rao bán đất nền của nhiều địa phương tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn tăng. So với mặt bằng giá rao bán trung bình năm 2021, đất nền dự án thị xã Phú Mỹ đã tăng 22% trong 5 tháng đầu năm nay. Đất nền dự án ở Vũng Tàu, Long Điền, Bà Rịa cũng tăng lần lượt ở mức 13%, 10% và 6%. 

Hiện tại, mặt bằng giá rao bán trung bình đất nền dự án Phú Mỹ khoảng 35 triệu đồng/m2, tại Bà Rịa là 15 triệu đồng/m2, tại Vũng Tàu gần 60 triệu đồng/m2.

Nhà đầu tư tìm kiếm bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu trong 5 tháng đầu năm 2022 chủ yếu đến từ TP HCM (49%) và các tỉnh miền Nam khác (28%). Ngược lại, tỷ lệ khách hàng từ Hà Nội đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, từ mức 8% lên 16%. 

Khách hàng quan tâm nhiều nhất đến loại hình đất, chung cư và đất nền dự án. Đối với đất nền dự án, phân khúc được tìm kiếm nhiều nhất có diện tích 100-120 m2 và giá dao động 10-30 triệu/m2.

Không nằm ngoài vòng xoáy của thị trường, bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu đã hạ nhiệt đột ngột, đặc biệt là thị trường đất nông nghiệp ở nhiều địa bàn vùng nông thôn.

Ông Trần Văn Tính (huyện Xuyên Mộc) cho biết, vài tháng trước, khi mới xuất hiện thông tin có doanh nghiệp lớn sắp đầu tư vào khu vực huyện Xuyên Mộc và một đại gia khác đang rót tiền vào Đất Đỏ thì khu vực đất ven biển huyện Xuyên Mộc thậm chí các xã vùng sâu vùng xa như Tân Lâm, Bàu Lâm, Hòa Hiệp, Hòa Hội cũng “nhảy múa” liên tục.

Có nhiều khu đất khách vừa đặt cọc đã tăng giá 2-3 lần, người mua chỉ sang tay tiền đặt cọc là có thể lời gấp đôi trong vài tuần. Nhưng khoảng 1-2 tháng trở lại đây, thị trường bất ngờ lắng xuống, một số người trót ôm đất giá cao đang phải chạy vạy khắp nơi tìm khách hàng bán lại nhưng vẫn không thể “đẩy hàng”, theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Anh Lê Văn Tứ (tỉnh Đồng Nai) cho biết, vào thời điểm sốt, thấy nhiều bạn bè của anh đầu tư mua đi bán lại đất nông nghiệp, đất sào ở các khu vực nông thôn các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ lãi hàng tỷ đồng mỗi lô nên hồi giữa tháng 4 anh xuống cọc 1.000 m2 đất khu vực xã Bình Ba (huyện Châu Đức) với giá đầu tư 2,4 tỷ đồng, nhưng khi vừa đặt cọc thì không hiểu sao đất xuống giá quá nhanh  khiến anh trở tay không kịp.

“Tôi rao bán khắp nơi nhưng không sang được cọc, nếu ôm luôn thì không đủ tiền nên tôi đành phải hủy 200 triệu đồng tiền cọc cho chủ đất”, anh Tứ nói.

Chị Hằng, một chuyên môi giới đất vườn, đất sào khu vực huyện Đất Đỏ, Long Điền và Xuyên Mộc thừa nhận, gần đây mọi giao dịch đất đai gần như đóng băng, khách hẹn đặt cọc đều bỏ ngang. Nhiều lô chủ đất chấp nhận hạ giá 200 - 300 triệu đồng nhưng vẫn không có khách mua.

“Nếu như sau Tết nguyên đán, điện thoại tôi muốn cháy máy vì khách gọi xem đất. Tuần nhàn thì cũng bán được 1-2 lô, tuần nào may mắn có khi chốt 4-5 lô. Nhưng cả tháng nay, tôi không bán được lô đất nào, cũng chẳng có khách nào hẹn đi xem đất”, người này nói.

Ông Mai Văn Thắng, Giám đốc một công ty bất động sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, phân khúc đất ở đô thị TP Vũng Tàu và TP Bà Rịa đã chững lại khoảng 2 tháng trở lại đây vì nhiều lý do nhưng phần lớn là vì dòng tiền bị siết lại, hồ sơ vay ngân hàng để mua BĐS ngày càng siết chặt, lãi suất cao,…

Mặt khác, do giá đất ở nhiều địa phương bị đẩy lên quá cao trong 2 năm trở lại đây nên những người vào sau sợ rủi ro không dám đầu tư. Ngoài ra, còn có những tác động khác như gần đây, chính quyền địa phương xử lý mạnh tay với công trình xây dựng trái phép, làm đường trên đất nông nghiệp nên việc mua bán đất đai khu vực nông thôn càng ảm đạm.

Nguyễn Lê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.